Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp: Thái độ và tác phong của người cán bộ Đoàn

Chi tiết bài viết Tin tức sự kiện Trang bìa

Đồng Tháp: Thái độ và tác phong của người cán bộ Đoàn

Mỗi người cán bộ Đoàn có thái độ và phong cách riêng, có thể mang lại sự hứng thú, ngưỡng mộ của đoàn viên, thanh niên nhưng đôi khi cũng có thể mang lại sự buồn chán và không tôn trọng v.v...

Mỗi người cán bộ Đoàn có thái độ và phong cách riêng, có thể mang lại sự hứng thú, ngưỡng mộ của đoàn viên, thanh niên nhưng đôi khi cũng có thể mang lại sự buồn chán và không tôn trọng v.v...

Bên cạnh thái độ, tác phong riêng có, người cán bộ Đoàn cần biết tự rèn luyện thêm thái độ, tác phong thích hợp với vị trí, nhiệm vụ của mình, nhất là tác phong sư phạm. Đương nhiên, sự rèn luyện này cũng sẽ mang lại sự hữu ích cho tương lai, nghề nghiệp của người cán bộ Đoàn sau này. Một số thái độ và tác phong cần được chú ý gồm có:

1. Vận động - thuyết phục

Cán bộ Đoàn chính là người làm công tác thanh vận (vận động thanh niên). Vì vậy, phương pháp chủ yếu mà người cán bộ Đoàn cần áp dụng trong thực hiện nhiệm vụ là vận động, thuyết phục thông qua các hoạt động tuyên truyền, thảo luận dân chủ hay qua kết quả công việc thực tế. Sự vận động, thuyết phục nhằm đạt tới sự thống nhất trong nhận thức và hành động của từng cá nhân, tập thể đối với những công việc nên làm, phải làm...

2. Biết lắng nghe mọi người

Việc lắng nghe ý kiến người khác là một yêu cầu quan trọng. Qua lắng nghe, người cán bộ Đoàn có thể hiểu tâm tư, nguyện vọng của thanh niên; để biết những yêu cầu mà mình đưa ra có được các thành viên tiếp nhận một cách tự giác hay không. Tuy nhiên, sự lắng nghe không có nghĩa là thụ động mà phải biết giải thích, đối đáp, hướng dẫn, hiểu được những băn khoăn lo lắng của thanh niên để tháo gỡ, giải quyết.

Hình ảnh mang tính minh họa

3. Làm gương

Lời nói bao giờ cũng phải đi đôi với việc làm. Trong công việc, nhất là việc khó, người cán bộ Đoàn phải biết cùng làm và cùng làm tốt. Đặc biệt, trong việc học tập, người cán bộ Đoàn cần phải đạt kết quả tốt.

Việc tu dưỡng, rèn luyện của người cán bộ Đoàn phải thực sự là tấm gương để đoàn viên, thanh niên noi theo, tự giác chấp hành tốt các qui định chung.

4. Nhạy bén, làm việc khoa học

Cán bộ Đoàn thanh niên là người thủ lĩnh của tầng lớp thanh niên trí thức có trình độ cao vì vậy trong quá trình công tác phải luôn thể hiện được sự nhạy bén, tìm phương cách làm việc hiệu quả cao nhất. Người cán bộ Đoàn phải biết thu xếp công việc thật khoa học, có kế hoạch công tác tốt thông qua việc biết phân công, kiểm tra công việc.

     5. Biểu dương khen thưởng

Người cán bộ Đoàn cần biết biểu dương, khen thưởng kịp thời và công bằng đối với sự đóng góp của cá nhân hay tập thể trước những diễn đàn lớn để tạo được sự khích lệ đối với các cá nhân, tập thể. Đồng thời, tạo ra sự thi đua giữa các cá nhân, tập thể để có thể phát hiện và bồi dưỡng các nhân tố mới cho phong trào.

6. Phê bình

Trong công tác phê bình và tự phê bình, người cán bộ Đoàn phải biết phê bình đúng lúc, đúng chỗ, nhẹ nhàng; không làm chạm đến lòng tự trọng của đối tượng, không làm cho đối tượng tự ái.

Đối với thái độ vô trách nhiệm của một cá nhân nào đó, người cán bộ Đoàn nên dùng sức mạnh và ý kiến tập thể để phê phán. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hết sức độ lượng, không được định kiến, thành kiến, phải định hướng cho cá nhân, tập thể có khuyết điểm sửa chữa lỗi lầm.

7. Trung thực, thẳng thắn, gần gũi với thanh niên

Người cán bộ Đoàn cần biết nhận thiếu sót, khuyết điểm và tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng; luôn cởi mở, chân thành và hoà mình với tập thể. Đặc biệt, mạnh dạn đấu tranh phê phán cái sai, kiên quyết bảo vệ lợi ích chính đáng của tập thể, đoàn viên, thanh niên.

8. Biết học hỏi

Người cán bộ Đoàn cần chứng tỏ mình là người đang tích cực học tập, nâng cao nhận thức mọi mặt. Có tinh thần cầu thị. Phải luôn tự nghĩ rằng mình còn khuyết điểm và cần được góp ý để hoàn thiện. 

                                                                                    Thế Sang-Ban TCKT