Xuất bản thông tin

null Tài liệu sinh hoạt Đoàn, Hội, Đội tháng 7 năm 2022

Tài liệu sinh hoạt Đoàn - Hội - Đội Tin tức sự kiện Trang bìa

Tài liệu sinh hoạt Đoàn, Hội, Đội tháng 7 năm 2022

Tài liệu sinh hoạt tháng 7

I. HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI BÁC

1. Những mẩu chuyện về Bác

BÁC HỒ VỚI THƯƠNG BINH LIỆT SỸ

Ngay từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước đang trong cảnh thù trong, giặc ngoài “nghìn cân treo sợi tóc”, Bác luôn nghĩ đến công ơn của các thương binh, liệt sỹ. Với âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn. Nhân dân Nam Bộ chưa kịp hưởng niềm vui độc lập và cuộc sống thanh bình lại phải tiếp tục vùng lên cứu nước. Để bảo vệ Tổ quốc thân yêu, rất nhiều người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc đời của mình cho đất nước. Họ đã ngã xuống trên chiến trường miền Nam hoặc khi trở về đã mang thương tật suốt đời vì nền độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Tháng 12/1945, trong thư “Gửi các chiến sĩ Nam Bộ và Nam phần Trung Bộ” Bác tin tưởng rằng: “Với một nước đã có những người con hy sinh như thế, anh hùng như thế, đã có một khối toàn dân đoàn kết như thế, nước ta nhất định không mất lại một lần nữa. Để bảo vệ Tổ quốc, chúng ta còn phải chiến đấu nhiều. Chỉ có chiến đấu mới vượt được những trở lực, khó khăn, chỉ có chiến đấu mới đưa lại vẻ vang cho Tổ quốc. Các bạn ở tiền tuyến không bao giờ cô độc, vì đã có cả một khối đoàn kết làm hậu thuẫn cho mình. Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”. Nhằm chia sẻ nỗi đau của hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà, cha mẹ, những người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình, trong bức thư đăng trên báo Cứu quốc ngày 7/1/1946, Người viết: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những liệt sỹ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập, thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mạng, hoặc trong thời kỳ kháng chiến, tôi gửi lời chào thân ái đến các gia đình liệt sỹ và tôi nhận các con liệt sỹ làm con nuôi của tôi”. Ngày 10/3/1946, Báo Cứu quốc đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ. Trong thư có đoạn: “Tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc tranh đấu cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng”. Tiếp sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại viết: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam, đã vì Tổ quốc mà hy sinh tính mệnh”. Hơn nửa tháng sau khi đi Pháp về, ngày 7/11/1946, Người đã đến dự lễ “Mùa đông binh sĩ” do Hội liên hiệp Quốc dân Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, vận động đồng bào ở hậu phương đóng góp tiền của để may áo trấn thủ cho chiến sĩ, thương binh, bệnh binh. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã thu hút nhiều thanh niên nam nữ tham gia quân đội. Một số chiến sĩ đã hy sinh anh dũng, một số nữa là thương binh, bệnh binh; đời sống gặp nhiều khó khăn, mặc dầu anh chị em tình nguyện chịu đựng, không kêu ca, phàn nàn. Để nhân dân cả nước có dịp bày tỏ lòng biết ơn tới các thương binh và gia đình liệt sĩ, tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày “Ngày Thương binh”. Thực hiện chỉ thị của Người, Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương, khu và tỉnh họp ở Phú Minh, Đại Từ, Thái Nguyên nhất trí lấy ngày 27/7/1947 là “Ngày Thương binh, Liệt sĩ”. Trong dịp này, báo Vệ quốc quân ra ngày 27/7/1947 đã đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ban thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh, Liệt sỹ toàn quốc”. Đầu thư, Người viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe doạ. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Cuối thư, Người vận động đồng bào nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ thương binh. Bản thân Người đã xung phong góp chiếc áo lụa, một tháng lương và tiền ăn một bữa của Người và của tất cả các nhân viên của Phủ Chủ tịch; tổng cộng là 1.127 đồng để tặng thương binh. Ngày 27/7/1948, trong một thư dài đầy tình thương yêu, Bác chia sẻ: "Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó đến như một trận lụt to. Nó đe doạ tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe doạ cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố, mẹ, vợ con, dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững; để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào”. Người viết: “Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống… Ngày nay, bố mẹ họ đã mất một người con yêu quý. Vợ trẻ thơ trở nên bà goá. Con dại trở nên bồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sỹ… Nhưng tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sĩ không thể tái sinh”. Những việc làm của Bác không chỉ là sự tiếc thương mà còn thể hiện sự tự hào, gợi lên tinh thần bất khuất, làm hồi sinh sức sống mãnh liệt của cả dân tộc, của những người đã hy sinh sự sống của mình cho độc lập của Tổ quốc. Người đã gắn sự tổn thất lớn lao của những thương binh, liệt sĩ vào ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của những người được sống trong hòa bình. Tháng 5/1968, mặc dù đang ốm mệt, Người vẫn đọc lại bản thảo Di chúc và viết bổ sung thêm một số nội dung gồm 6 trang viết tay, trong đó có đoạn về thương binh, liệt sĩ: "Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét". Thực hiện Di chúc của Người, các cấp chính quyền và đoàn thể xã hội đã có những chính sách ưu tiên đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Đồng bào ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc cũng đã làm nhiều việc để đền ơn đáp nghĩa như: tặng quà cho các gia đình chính sách, xây dựng nhà tình nghĩa, lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các mẹ Việt Nam Anh hùng, ủng hộ và giúp đỡ các nạn nhân nhiễm chất độc da cam, giúp đỡ thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, tìm mộ liệt sĩ…

Link: https://bom.to/16LAAI7xB1eUVk

Nguồn:codotphcm.com

2. Lời Bác dạy

“Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà,

Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già.

Chờ cho kháng chiến thành công đã,

Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta”

Nhân dịp chuẩn bị sinh nhật lần thứ 59 của Bác, ngày 19 tháng 5 năm 1949 nhiều ý kiến đề nghị tổ chức Lễ mừng thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác tỏ ý không bằng lòng và Người đã tự làm thơ mừng thọ mình, cũng là câu trả lời các ý kiến về việc ý định tổ chức mừng thọ cho Bác. Bài thơ là hiện thân của sự giản dị, khiêm tốn rất mực ở Người, toát lên một tinh thần lạc quan cách mạng, có niềm tin sâu sắc vào thắng lợi của cách mạng, coi đó là điều kiện tiên quyết trong các tiệc mừng, cho ngày sinh nhật,… Với Bác, kháng chiến chưa thành công, đồng bào còn nghèo khổ, thì không thể vui cho riêng mình và Bác cũng mong mọi cán bộ, đảng viên như vậy.

Hiện nay, đất nước đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đời sống vật chất, tinh thần của xã hội được nâng cao; nhưng triết lý sống phải luôn đặt lợi ích của Đảng, của đất nước lên trên, lên trước, phải biết lo cho nhân dân, cho địa phương, đơn vị trước khi lo cho cá nhân, phải sống mình vì mọi người luôn khiêm tốn, giản dị, tiết kiệm,… của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc đối với mọi người, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, thiết thực góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xứng đáng với niềm tin yêu và trọng trách mà nhân dân giao phó.

Học tập và làm theo phong cách sống thanh cao, trong sạch, giản dị và tinh thần “dĩ công vi thượng” của Bác, cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, gương mẫu, đi đầu trong chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội; đề cao tự phê bình và phê bình; đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân; kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, bệnh thờ ơ, vô cảm, sùng bái cá nhân; ra sức xây dựng cơ quan, đơn vị chính qui, xanh, sạch, đẹp, có môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh; xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh; cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc.

Trích trong Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG, H. 2016, t.6, tr. 72 

II. THEO DÒNG LỊCH SỬ

  1. Ngày truyền thống

 

“LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA

CỦA NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ (27/7)”

Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7) là một ngày lễ kỉ niệm được tổ chức hàng năm nhằm tri ân công lao của những người thương binh, liệt sĩ trong cuộc chiến giành độc lập, bảo vệ tổ quốc. Là một biểu hiện của truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa qua đó tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với những người đã có công với cách mạng. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Khi chính quyền cách mạng đang còn non trẻ thì thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp gây hấn đã chiến đấu anh dũng, chặn lại bàn tay đẫm máu của thực dân xâm lược. Trong cuộc chiến đấu này, nhiều chiến sĩ đồng bào ta đã bị thương, có người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Nhiều gia đình cùng một lúc phải mất đi cả chồng và các con ngoài mặt trận. Nhiều người vợ trẻ chỉ được hưởng hạnh phúc vợ chồng chưa trọn một ngày, rồi góa bụa cả đời. Khỏi phải nói những thiệt thòi mất mát, nỗi buồn tủi của những người còn sống khi người thân mất đi. Nhưng cũng chính bằng lòng tiếc thương vô hạn ấy, người sống tự nói với lòng mình rằng: “Hãy sống sao cho xứng với người đã khuất”. Và rồi đã như thành truyền thống, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã dành tình thương yêu của mình chăm sóc các gia đình liệt sỹ, anh chị em thương binh - bệnh binh một cách tận tình chu đáo. Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn (sau đổi tên là Hội giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hóa, Bình Trị Thiên, ở Hà Nội và nhiều nơi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được mời làm hội trưởng danh dự của Hội giúp binh sĩ tử nạn Chiều ngày 28/5/1946, Hội “Giúp binh sĩ bị nạn” tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát thành phố Hà Nội và Hồ Chủ Tịch đã tới dự. Chiều ngày 11/7/1946, tại Nhà hát này đã có một buổi quyên góp quần áo, giày mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động “mùa đông chiến sĩ”. Tại đây, Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sĩ. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946, số người bị thương và hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sỹ và đồng bào ta gặp muôn vàn khó khăn. Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng liên quan đến công tác thương binh liệt sĩ nhằm đảm bảo đời sống vật chất cũng như tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến. Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ- Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Đây được coi là cuộc mít tinh quan trọng với 2000 người tham gia tại Thái Nguyên. Tại đây, Ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Hàng năm vào dịp này, Người cũng đều có thư và quà để gửi đến các anh em thương binh và gia đình liệt sỹ. Từ tháng 7/1955, Ngày thương binh được đổi thành Ngày thương binh liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thẳng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng từ năm 1975, ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành "Ngày thương binh liệt sĩ" của cả nước.

Link: https://bom.to/GfRhETLY8KI9iE

Nguồn: http://cdh.vnu.edu.vn

III. PHÁP LUẬT

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 07/2022

Từ ngày 11 – 20/7/2022, nhiều chính sách mới nổi bật bắt đầu có hiệu lực thi hành, đơn cử như sau:

1. Quy định về tạm trú, lưu trú trong khu công nghiệp

Đây là nội dung tại Nghị định 
35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế ban hành ngày 28/5/2022.

Theo đó, trong khu công nghiệp không có nơi thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú.

Chuyên gia, người lao động được phép tạm trú, lưu trú ở cơ sở lưu trú tại khu công nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và thực hiện theo quy định sau đây:

+ Đối với chuyên gia, người lao động là người Việt Nam thì thực hiện tạm trú, lưu trú theo quy định của pháp luật về cư trú;

+ Đối với chuyên gia, người lao động là người nước ngoài thì thực hiện tạm trú theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Hiện hành, tại Nghị định 
82/2018/NĐ-CP quy định trong khu công nghiệp, khu chế xuất không cho phép dân cư sinh sống.

Trường hợp cần thiết, người nước ngoài (gồm nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia) được phép tạm trú tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tuân thủ các điều kiện cụ thể khác.

Nghị định 
35/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/7/2022.

2. Tiêu chuẩn cấp phát trang phục cho Quản lý thị trường các cấp

Theo Nghị định 
33/2022/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Quản lý thị trường ban hành ngày 27/5/2022, công chức làm việc tại các cơ quan Quản lý thị trường các cấp được cấp phát trang phục theo tiêu chuẩn sau:

- Áo sơ mi ngắn tay được cấp 02 chiếc/01 năm/01 công chức (Trường hợp cấp lần đầu được cấp: 04 chiếc /01 công chức).

- Áo sơ mi dài tay được cấp 02 chiếc/01 năm/01 công chức, Áo sơ mi mặc trong áo khoác được cấp 02 chiếc/01 năm/01 công chức (Trường hợp cấp lần đầu được cấp: 04 chiếc mỗi loại /01 công chức).

- Áo khoác cho nam và áo khoác cho nữ: 01 chiếc/02 năm/01 công chức (Trường hợp cấp lần đầu được cấp: 02 chiếc/01 công chức).

- Áo măng tô: 01 chiếc/04 năm/01 công chức; áo gi-lê và áo gió: 01 chiếc/02 năm/01 công chức; áo bông: 01 chiếc/04 năm/01 công chức.

- Quần âu cho nam: 02 chiếc/01 năm/01 công chức (Trường hợp cấp lần đầu được cấp: 04 chiếc/01 công chức).
- Quần âu hoặc chân váy cho nữ: 02 chiếc/01 năm/01 công chức (Trường hợp cấp lần đầu được cấp: 04 chiếc/01 công chức).

- Cà vạt: 01 chiếc/02 năm/01 công chức (Trường hợp cấp lần đầu được cấp: 02 chiếc/01 công chức).

- Mũ kê-pi (nam), mũ mềm (nữ), mũ bông và phù hiệu gắn cành tùng: 01 chiếc/04 năm/01 công chức.

- Biển hiệu: 02 chiếc/01 công chức (Trường hợp biển hiệu bị hỏng hoặc bị mất được cấp thay thế).

- Cấp hiệu: 02 bộ/01 công chức (Trường hợp công chức có sự thay đổi về chức vụ lãnh đạo, ngạch công chức hoặc cấp hiệu bị hỏng, bị mất được cấp cấp hiệu thay thế).

Các loại trang phục khác:Thắt lưng, Giày da, Tất, Mũ bảo hiểm dùng đi xe máy, Cặp tài liệu …

Nghị định 
33/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/7/2022, thay thế Nghị định 148/2016/NĐ-CP và Nghị định 78/2019/NĐ-CP .

3. Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức thuế

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 
29/2022/TT-BTC quy định về mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ.

Theo đó, đối với các ngạch công chức thuế dưới đây, không còn yêu cầu trong tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học:

+ Kiểm tra viên cao cấp thuế - Mã số ngạch: 06.036;

+ Kiểm tra viên chính thuế - Mã số ngạch: 06.037;

+ Kiểm tra viên thuế - Mã số ngạch: 06.038;

+ Kiểm tra viên trung cấp thuế - Mã số ngạch: 06.039;

+ Nhân viên thuế - Mã số ngạch: 06.040.

Tuy nhiên, trong các điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ của 1 số vị trí vẫn yêu cầu khả năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ của công chức thuế.

Thông tư 
29/2022/TT-BTC có hiệu lực từ 18/7/2022 và thay thế Thông tư 77/2019/TT-BTC .

Link: https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thong-bao-van-ban-moi/chinh-sach/41455/chinh-sach-moi-noi-bat-co-hieu-luc-tu-giua-thang-07-2022

IV. TIN ĐOÀN – HỘI- ĐỘI

Đồng Tháp: Tổ chức Lễ ra quân đồng loạt Ngày Chủ nhật xanh năm 2022

Sáng ngày 24/7/2022, tại xã An Phong, huyện Thanh Bình, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức ra quân “Ngày Chủ nhật xanh” và Ngày Chiến sĩ tình nguyện đền ơn đáp nghĩa năm 2022 điểm cấp tỉnh năm 2022. Đây là hoạt động ý nghĩa, nằm trong khuôn khổ Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2022, nhằm chung tay giải quyết thực trạng ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thể hiện tinh thần “đền ơn đáp nghĩa”, nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, bồi đắp lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước trong thanh thiếu nhi; thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Tháp lần thứ XItiến tới Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 – 2027.

Chương trình ra quân “Ngày Chủ nhật xanh” và Ngày Chiến sĩ tình nguyện đền ơn đáp nghĩa năm 2022 được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực như: Tổ chức cho đoàn viên thanh niên tham gia “Hành trình đến với địa chỉ đỏ” dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; các hoạt động vệ sinh môi trường, dọn dẹp hành lang an toàn giao thông và bóc dỡ biển quảng cáo rao vặt; Trao tặng 30 phần quà trị giá 4.5 triệu đồng; 10 suất học bổng trị giá 2 triệu đồng; thăm và tặng quà gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, gia đình có công với cách mạng (10kg gạo + 200k) mỗi phần; trồng 600 chậu hoa dừa cạn và vệ sinh tuyến đường nông thôn; khám và cấp phát 500 suất thuốc miễn phí cho người dân; tặng 1 chiếc xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ lâu dài cho 2 học sinh (500k/suất); hỗ trợ 1 triệu đồng cho Thanh niên phát triển kinh tế cùng nhiều phần việc ý nghĩa khác.

Cùng với đó, có các hoạt động phát huy vai trò của các đội hình thanh niên tình nguyện ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường cấp xã trong xử lý các "điểm đen" ô nhiễm môi trường, hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn và xử lý rác sinh hoạt thành các sản phẩm phục vụ nông nghiệp và đời sống sinh hoạt hằng ngày; hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp, mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh....

Bên cạnh đó, các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh đã vận động nguồn lực tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại các vùng biển, đảo. Tổ chức hành trình đến các địa chỉ đỏ, các di tích, địa danh lịch sử. Tổ chức các hoạt động tìm hiểu và bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc. Tham gia thắp nến tri ân, quét dọn vệ sinh quanh khu vực nghĩa trang, nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại địa phương. Hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, nhà nhân ái cho các gia đình chính sách khó khăn về nhà ở; tổ chức khám bệnh, tư vấn và phát thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách…

Đây là chuỗi các hoạt động ý nghĩa của tuổi trẻ nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự lan tỏa sâu rộng đến đoàn viên, thanh niên và người dân, giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa; phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần “nghĩa tình, năng động, sáng tạo” trong đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với thế hệ cha ông… Qua đó, giúp thế hệ trẻ càng ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Ngọc Chi - Ban Phong trào

V. ĐỊNH HƯỚNG TUYÊN TRUYỀN THÁNG 7

1. Sinh hoạt tư tưởng

Sinh hoạt, phổ biến đến cán bộ, đảng viên nội dung bài viếtTự giác nêu gương - điểm nổi bật trong xây dựng Đảng về đạo đức” của Đại tá, PGS.TS. Dương Quang Hiển, Trung tá, ThS. Nguyễn Văn Hùng,Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự đăng trên Tạp chí Tuyên giáo, mục đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Link: https://bom.to/a70IkA

2. Tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm

Tuyên truyền kỷ niệm 46 năm ngày Quốc hội khoá VI quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/7/1976 - 02/7/2022); 35 năm Ngày Dân số thế giới (11/7/1987 - 11/7/2022); 72 năm Ngày Truyền thống Thanh niên xung phong (15/7/1950 - 15/7/2022); 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022); 93 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2022); 27 năm Ngày Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995 - 28/7/2022); 112 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (10/7/1910 - 10/7/2022); 112 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Duy Trinh (15/7/1910 - 15/7/2022)... gắn với tuyên truyền các nhiệm vụ trọng tâm của Tỉnh trong năm 2022. Các hoạt động tuyên truyền cần đảm bảo thiết thực, phù hợp với tình hình.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ĐOÀN