Xuất bản thông tin

null Thủ đoạn mới của các đối tượng Mua bán người xuyên quốc gia

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Tin tức sự kiện Trang bìa

Thủ đoạn mới của các đối tượng Mua bán người xuyên quốc gia

Công an các địa phương đang cảnh báo thủ đoạn mới của các đối tượng mua bán người xuyên quốc gia đến các bạn trẻ nắm và cảnh giác trước những chiêu trò dụ dỗ, lôi kéo, mời gọi sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao, không để sập bẫy các đường dây mua bán người xuyên quốc gia.

 

Theo Công an tỉnh Bình Thuận, nhiều nạn nhân đã sập bẫy các đường dây mua bán người xuyên quốc gia khi tin theo những lời hứa hẹn, cam kết đưa sang Campuchia làm công nghệ thông tin, với mức lương hấp dẫn từ 15 - 25 triệu đồng/ tháng, chi phí chỉ có 0 đồng.

Tuy nhiên, khi người lao động sang tới Campuchia thì các đối tượng đưa họ vào các khu sòng bạc, làm công việc dọn dẹp, lương chỉ từ 5 - 7 triệu đồng nhưng bị trừ rất nhiều khoản ăn uống, nhà trọ… Thậm chí, khi người lao động không đáp ứng được tần suất làm việc do các đối tượng đặt ra thì họ bị đối xử thậm tệ, nhốt riêng, giam lõng, không cho liên hệ với bên ngoài, gia đình, bạn bè.

Mới đây, em N.B.H.N (sinh năm 2006, trú tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) có nhu cầu tìm việc làm để phụ giúp gia đình, nên đã tìm kiếm vào nhóm "Việc Làm Phan Thiết – Bình Thuận" trên mạng xã hội Facebook để tìm việc, thì đọc được thông tin tuyển người làm việc tại Campuchia với mức lương 23 triệu đồng/tháng của một tài khoản Facebooker tên N.L.

Em N đã rủ bạn tên D chủ động liên hệ với H.L và được đối tượng hướng dẫn đi sang cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Tại đây, hai em được một số đối tượng tổ chức xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc trong sòng bạc do người Trung Quốc quản lý.

Sau khi ký kết hợp đồng lao động, các em được hướng dẫn cách thức lừa đảo người khác thông qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Telagram… hoặc tìm kiếm, mời chào, lôi kéo các khách hàng tham gia đánh bạc trực tuyến. Mỗi ngày phải làm việc liên tục từ 15 – 16 tiếng/ngày và chịu sự quản thúc của quản lý công ty, nên thường xuyên bị đánh đập. 

Lúc này, em N mới biết bị lừa, nên sau 3 ngày làm việc, N xin nghỉ thì công ty yêu cầu phải trả cho công ty 90 triệu đồng gọi là "chi phí đưa sang công ty" và "bồi thường hợp đồng lao động". Em N đã phải liên lạc về gia đình mang tiền sang Campuchia chuộc đưa về Việt Nam.

Trường hợp tương tự là em N.Q.K, sinh năm 2006, trú tại thị xã La Gi, Bình Thuận cũng tin theo những lời hứa hẹn, cam kết đưa sang Campuchia làm kế toán cho vay vốn tiền lương, với mức lương 17 triệu đồng/tháng, chi phí 0 đồng. 

Tuy nhiên, sau khi được các đối tượng đưa xuất cảnh trái phép sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh thì em K bị đưa vào khu sòng bạc do người Trung Quốc làm chủ, để làm việc 16 giờ/ngày, với công việc lôi kéo các khách hàng tham gia đánh bạc trực tuyến.

Thấy công việc không phù hợp em K xin nghỉ, trốn về Việt Nam thì bị phía Công ty bắt lại đánh đập và bán em lại cho Công ty kinh doanh sòng bạc khác ở biên giới gần cửa khẩu Tịnh Biên, An Giang để làm công việc chuyên lừa đảo qua mạng xã hội. 

Lúc này, em K mới biết mình bị lọt vào đường dây mua bán người nên đã tìm cách bỏ trốn nhưng đã bị các đối tượng bắt được và đánh đập dã man. Ngày 20/5/2022, em K đã phải liên lạc với gia đình cầu cứu gia đình vay mượn số tiền 120 triệu đồng để sang Campuchia chuộc em về Việt Nam.

Ngoài 2 trường hợp trên, cũng bằng thủ đoạn hứa hẹn môi giới làm việc tại Campuchia với mức lương cao, không yêu cầu trình độ, với chi phí 0 đồng, hiện nay đã có rất nhiều nạn nhân trên khắp cả nước bị sập bẫy các đối tượng lừa xuất cảnh trái phép qua Campuchia bằng đường tiểu ngạch để bán vào các khu sòng bạc để làm các công việc đánh bạc trực tuyến hoặc lừa đảo qua mạng xã hội…. Nạn nhân không dám bỏ trốn, buộc phải liên lạc với gia đình để mang tiền sang chuộc người với giá từ 90 - 150 triệu đồng bồi thường, nếu không sẽ bị bán sang công ty khác.

Tại địa bàn Cà Mau, theo Công an tỉnh Cà Mau, từ tháng 01/2022 đến nay, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã thực hiện hỗ trợ Công an các tỉnh, như: Ninh Thuận, Bình Dương, An Giang, Tây Ninh... xác minh nhiều vụ việc có tính chất tương tự.

Điển hình như ngày 17/01, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can N.V.V (trú tại thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước) về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép".

N.V.V câu kết với các đối tượng khác tìm kiếm, lôi kéo, hứa hẹn và đã đưa 16 người ở địa bàn tỉnh Cà Mau đưa sang Campuchia (bằng đường tiểu ngạch) làm thuê với mức lương cao, chi phí đi từ Việt Nam sang Campuchia do N.V.V lo chi phí. 

Tuy nhiên, khi số lao động này qua tới Campuchia thì mọi việc không như N.V.V và đồng bọn hứa hẹn, việc làm không ổn định, lương thấp, họ muốn về Việt Nam thì bị đe dọa, giam lõng, không cho liên lạc với gia đình.

Cơ quan công an cảnh báo, để tránh bị lừa đảo "tiền mất, tật mang", người lao động cần phải cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin về nơi thuê lao động, khi tìm việc làm cần liên hệ các đơn vị có chức năng tư vấn, môi giới xuất khẩu lao động được Nhà nước cấp phép. Ngoài ra, người dân cần hiểu rõ quy định của pháp luật liên quan việc xuất, nhập cảnh, không để vi phạm pháp luật vì thiếu hiểu biết.