Xuất bản thông tin

null Tiktok và mối lo ảnh hưởng tiêu cực đối với trẻ em

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Tin tức sự kiện Trang bìa

Tiktok và mối lo ảnh hưởng tiêu cực đối với trẻ em

Sức hút của TikTok

TikTok là một trong những nền tảng truyền thông xã hội phát triển nhanh nhất thế giới. Trong quý 1/2022, báo cáo của Sensor Tower cho biết, TikTok là ứng dụng hàng đầu về lượt tải xuống toàn cầu. Số lượng người dùng TikTok trên toàn thế giới mới đây cũng đã chạm ngưỡng hơn 1 tỷ, với phần lớn người dùng là giới trẻ.

 

Là một nền tảng MXH chia sẻ video, ứng dụng cho phép người dùng sáng tạo các đoạn video ngắn có nội dung như nhảy, hát nhép lại video gốc, các clip nhảy nhót, ẩm thực, vui chơi, chia sẻ cách chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, dạy kỹ năng... Mọi người có thể đăng video, sử dụng một loạt các bản nhạc phim và bộ lọc có thể biến đổi khuôn mặt hoặc tạo ra các hiệu ứng hình ảnh hấp dẫn khác để video thêm cuốn hút.

Người dùng có thể theo dõi các tài khoản khác và tạo nguồn cấp nội dung mới từ những người sáng tạo mà họ yêu thích nhất. Ngoài ra còn có nguồn cấp dữ liệu "Dành cho bạn" hiển thị một loạt video ngẫu nhiên từ những người khác. Cơ chế hoạt động này cung cấp cho người dùng một kho nội dung mới vô tận để xem, đây chính là bản chất gây nghiện cao của TikTok và cũng chính là điều khiến TikTok trở thành một nền tảng hấp dẫn.

Và như YouTube là bệ phóng tài năng, vì ai cũng có thể đăng video các phần trình diễn của mình cho cả thế giới cùng xem, TikTok cũng là nơi ai cũng có thể tỏa sáng, chỉ bằng các đoạn video ngắn. Ứng dụng này cho phép những tài khoản có lượng người theo dõi dù là nhỏ nhất cũng có thể "lan truyền" và trở thành người nổi tiếng chỉ sau một đêm. TikTok hấp dẫn đến nỗi nhiều bạn trẻ đã chọn hướng đi trở thành TikToker để "phát triển sự nghiệp", kiếm tiền.

Một người dùng TikTok chỉ có thể chọn giữ riêng các video của mình hoặc công khai cho tất cả những người khác cùng xem. Không có chế độ "bạn bè" hay quy định đối tượng được xem. Đây vừa là cách để ai cũng có thể nổi tiếng trên TikTok, nhưng cũng vừa là lỗ hổng các mối lo về an toàn, bảo mật thông tin của người dùng, nhất là khi TikTok thu hút một lượng lớn người dùng nhỏ tuổi.

Với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ, nếu không được trang bị những kiến thức và kỹ năng số cần thiết, trẻ em rất có thể bị rơi vào "ma trận" của những video không được kiểm duyệt với đủ những thử thách, xu hướng có thể tác động và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tâm lý của các em nhỏ.

Tràn lan nội dung "rác", nội dung độc hại dành cho trẻ em

Với mức độ phổ biến ngày càng tăng của ứng dụng, lúc nền tảng này thu hút hàng triệu người trẻ cũng là lúc tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm.

Các clip ngắn chỉ chừng vài chục giây trên TikTok nhưng lại có thể ẩn chứa nhiều mặt tối, những hình ảnh nhạy cảm, dẫn đến tình trạng người trẻ "quấy rối" lẫn nhau.

Chẳng hề khó khăn để tìm được những video có nội dung "người lớn" trên TikTok. Đó là những clip mà người chơi cố tình khoe những điểm nhạy cảm trên cơ thể, nhảy những điệu nhảy khêu gợi. Điều đáng lo ngại là có rất nhiều clip người thực hiện mới chỉ là những bạn trẻ vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, chưa đủ chín chắn hay ý thức được về những hiểm nguy tiềm tàng khi đăng tải các video, hình ảnh trong trang phục thiếu vải.

Bên cạnh đó, TikTok cho phép người dùng có thể liên hệ với bất kỳ tài khoản nào, không hạn chế vị trí địa lý. Điều này đồng nghĩa với việc, các em nhỏ hoàn toàn có thể nói chuyện với bất kỳ ai, kể cả những người lạ. Được làm quen với nhiều người bạn mới, nhưng các em cũng dễ dàng bị những đối tượng xấu tiếp cận hơn.

Ngoài ra, một số nội dung trên TikTok khi chưa kịp thời được kiểm duyệt cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thanh thiếu niên, bao gồm từ những thử thách có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, cho đến các nội dung phân biệt đối xử, lôi kéo, dụ dỗ.

Rất nhiều video bắt đầu từ những thử thách nhảy vô nghĩa, trong giai đoạn đại dịch COVID-19, một số nội dung trở nên kỳ dị và nhiều trường hợp còn nguy hiểm. Ví dụ một số thử thách và xu hướng xấu như: giới trẻ phá hoại phòng tắm của trường học, xếp nhiều thùng sữa lên nhau rồi đi qua, mài răng và ăn ngô được gắn trên máy khoan điện…

Không những vậy, môi trường này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác, từ bắt nạt trực tuyến, tới xâm phạm đời tư, đến gây ra chứng trầm cảm cho người dùng.

Một hình thức bắt nạt trên mạng chủ yếu xảy ra ngày càng nhiều trong TikTok là body shaming. Rất nhiều người dùng TikTok nổi tiếng đã lên tiếng về trải nghiệm cá nhân của họ khi bị ám ảnh trong phần bình luận của video và đối mặt với vô số bình luận có hại về hình dạng và kích thước cơ thể của họ. Điều này có thể có những ảnh hưởng sâu rộng đến những người dùng trẻ tuổi vẫn đang phát triển về tinh thần và thể chất, có khả năng dẫn đến cảm giác vô giá trị và bị sỉ nhục.

Trước "ma trận" video trong thế giới TikTok, nếu không được trang bị những kiến thức cần thiết và các biện pháp sử dụng nền tảng một cách an toàn, trẻ em, thanh thiếu niên rất dễ bị đầu độc bởi những nội dung xấu và thậm chí trở thành nạn nhân của những thử thách nguy hiểm trên nền tảng này.

TikTok từng đối mặt với nguy cơ bị cấm sử dụng ở nhiều nơi do những tác động tiêu cực của nó đối với lứa tuổi thanh thiếu niên. Ở Mỹ, có thiếu niên suýt mất mạng khi thực hiện thử thách uống hàng chục viên thuốc chống dị ứng một lúc. Đầu năm 2021, một bé gái 10 tuổi tại Italy bị chết não do bắt chước chơi trò "Thử thách bất tỉnh" trên TikTok bằng cách quấn thắt lưng quanh cổ để quay clip…

Thực tế, mạng xã hội nào cũng có hai mặt, tích cực và tiêu cực. TikTok chứa nội dung vô bổ một phần cũng là lỗi của người dùng và việc quản lý, kiểm soát nội dung phản cảm, độc hại trên nền tảng này đang là vấn đề nhức nhối. TikTok đang cho thấy nhiều lỗ hổng trong cách thức kiểm duyệt nội dung dựa trên "Tiêu chuẩn cộng đồng".

TikTok từng vướng phải nhiều cuộc chiến pháp lý liên quan đến phân bổ nội dung cho người dùng trẻ tuổi. Chỉ một ngày sau khi đạt cột mốc 1 tỉ lượt tải về, TikTok đã chiếm sóng truyền thông sau khi nhận án phạt kỷ lục 5,7 triệu USD từ Ủy ban Thương mại liên bang Hoa Kỳ (FTC) vì vi phạm đạo luật bảo vệ thông tin cá nhân trực tuyến của trẻ em.

Ứng dụng đã tự thu thập thông tin của người dùng dưới 13 tuổi, trong khi theo luật thì phải có phần hướng dẫn để các em nhỏ xin ý kiến cha mẹ trước khi đồng ý để ứng dụng thu thập thông tin cá nhân của mình.

Án phạt là kết quả cuộc điều tra của FTC với Musical.ly từ trước khi TikTok mua lại. Với tư cách chủ sở hữu mới, TikTok phải chịu đóng phạt và sửa quy định, buộc người dùng khai tuổi khi đăng ký. Ứng dụng cũng sẽ tự động thay đổi để phù hợp với người dùng trẻ em.

Bên cạnh đó, MXH này cũng bị cáo buộc ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe thể chất và tinh thần trẻ em. Cụ thể, đầu năm nay, Tổng chưởng lý nhiều bang ở Mỹ bao gồm California, Florida, Massachusetts... đã đồng loạt yêu cầu điều tra TikTok vì gây tổn hại lên sức khỏe thể chất và tinh thần của giới trẻ.

Trong khi đó, các nhà bảo vệ trẻ em cũng cho rằng thuật toán của TikTok liên quan đến các nguy cơ về rối loạn ăn uống, ngược đãi bản thân và thậm chí tự tử ở trẻ em.

Trẻ em ngày nay đang được lớn lên trong thời đại của MXH. Nhiều đứa trẻ thậm chí còn học theo những con người được các nền tảng này "tô hồng" một cách thái quá, và điều này có thể sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng lên tâm lý và thể chất của trẻ.

Trong tất cả các biện pháp an toàn mà cha mẹ có thể thực hiện để bảo vệ con mình, dành thời gian để dạy con về an toàn trực tuyến có thể là một trong những biện pháp có tác động hiệu quả nhất.

Tạo "hàng rào" bảo vệ trẻ em khỏi nội dung độc hại

Việc TikTok mang đến nhiều lợi ích như tính giải trí cao, cập nhật tin tức xã hội, xu hướng nhanh là không thể phủ nhận. Nhưng đối với trẻ em thì đó cũng là con dao hai lưỡi. Để các em có thể sử dụng an toàn bất kỳ một nền tảng mạng xã hội nào đều cần phải cho trẻ hiểu và phân biệt được đâu là nội dung phù hợp. Đây là việc làm không hề dễ dàng đối với cha mẹ và cả TikTok, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là không thể.

Trên thực tế, hiện nay, TikTok đã có nhiều cài đặt kiểm soát quyền riêng tư mà cha mẹ có thể thiết lập từ tài khoản của con mình để có thể mang lại trải nghiệm an toàn hơn trên ứng dụng như kết nối tài khoản của con với tài khoản của mình qua tính năng gia đình thông minh.

Cụ thể, Family Pairing là tính năng cho phép cha mẹ kết nối tài khoản TikTok của mình với con cái và thiết lập các chế độ điều khiển khác nhau như:

Chế độ tìm kiếm: Trực tiếp quản lý hoạt động tìm kiếm của con về người dùng, hashtag, âm thanh và các nội dung trực tuyến.

Quản lý thời gian sử dụng: Cha mẹ có thể điều chỉnh khoảng thời gian con được phép sử dụng TikTok mỗi ngày.

Tin nhắn trực tiếp: Chế độ này có thể hạn chế ai có thể gửi tin nhắn đến tài khoản của con bạn hoặc tắt hoàn toàn tính năng nhắn tin trực tiếp. Tính năng nhắn tin trực tiếp sẽ tự động bị tắt đối với người dùng trong độ tuổi từ 13 đến 15.

Chế độ hạn chế: Cài đặt này sẽ tự động lọc ra nội dung có thể không phù hợp với người dùng nhỏ tuổi khỏi nguồn cấp dữ liệu của con bạn.

Video đã thích: Cài đặt quyết định đối tượng có thể xem các video mà con bạn đã thích.

Chế độ bình luận: Quyết định đối tượng có thể bình luận trên video của con bạn (mọi người, bạn bè hoặc không có ai).

Đề xuất tài khoản cho người khác: Kiểm soát xem tài khoản của con bạn có thể được giới thiệu cho người khác hay không.

Và trong trường hợp con bạn tắt cài đặt tính năng Family Pairing, cha mẹ sẽ nhận được thông báo trên điện thoại. Qua đó, các cha mẹ có thể thấu hiểu và giúp quản lý hoạt động trên TikTok của con một cách hiệu quả hơn.

Ngoài ra trước khi cho con sử dụng bất kỳ nền tảng mạng xã hội nào, cha mẹ cũng nên giải thích cho con hiểu rõ về ứng dụng, về các quy định, về những gì mà con có thể và không thể chia sẻ trên nền tảng này, đồng thời đưa ra nguyên tắc sử dụng hợp lỹ.

Đặc biệt, theo các chuyên gia Công ty an ninh mạng PandaSecurity, trong tất cả các biện pháp an toàn mà cha mẹ có thể thực hiện để bảo vệ con mình, dành thời gian để dạy con về an toàn trực tuyến có thể là một trong những biện pháp có tác động hiệu quả nhất. Bằng cách dạy cho trẻ hiểu lý do tại sao cần có một số ranh giới nhất định và giúp chúng nhận thức được mức độ nghiêm trọng của một số mối nguy hiểm rình rập trực tuyến, chúng sẽ được trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng hơn để quản lý trải nghiệm MXH của riêng mình một cách an toàn nhất.

Về phía TikTok, nền tảng này cũng đã tuyên bố rằng, ưu tiên hàng đầu của họ là giữ cho mọi người dùng TikTok được an toàn. Những tài khoản có thông tin từ 13 - 15 tuổi được mặc định ở chế độ riêng tư và tắt những tính năng đề xuất, livestream và nhận tin nhắn. Tuy nhiên, những điều khoản này chỉ hữu dụng khi người dùng khai báo thông tin trung thực, trong khi đó việc kiểm soát và đảm bảo đúng độ tuổi là rất khó.

Trên thực tế, TikTok có đủ bài học kinh nghiệm từ Facebook hay YouTube để tập trung vào việc kiểm soát nội dung độc hại trên nền tảng của mình. Sau án phạt của FTC, TikTok cho biết đã cung cấp bộ lọc các từ khóa xúc phạm, gây thù địch trong phần bình luận, cũng như công bố các video giáo dục người dùng trẻ cách giữ an toàn trên không gian mạng.

Hiện nay, nền tảng này cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền tại khu vực châu Âu và Australia một số gói tính năng tập trung vào bảo vệ người dùng thanh thiếu niên khỏi những thách thức nguy hiểm.

Và mới đây nhất, TikTok đang có kế hoạch ra mắt tính năng giới hạn độ tuổi người xem video trong thời gian tới, nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em trên nền tảng MXH này.

Tính năng mới sắp được TikTok triển khai có tên "Cấp độ nội dung". Nó tương tự với hệ thống xếp hạng được sử dụng bởi ngành công nghiệp phim và trò chơi điện tử để lọc ra các video có chủ đề "dành cho người lớn" từ nguồn cấp dữ liệu của người dùng là trẻ em, thanh thiếu niên.

Tính năng sẽ áp dụng cho những video không vi phạm các quy tắc của TikTok nhưng có thể không phù hợp với người dùng nhỏ tuổi. Với sự thay đổi này, người dùng trong độ tuổi từ 13 - 17, mỗi khi gặp một video có "chủ đề người lớn hoặc chủ đề phức tạp", họ sẽ nhận được thông báo "video bị giới hạn độ tuổi".

Các tính năng mới này được thiết kế để cung cấp cho người dùng nhiều quyền kiểm soát hơn đối với trải nghiệm TikTok của họ, đồng thời làm cho ứng dụng an toàn hơn, đặc biệt là đối với người dùng nhỏ tuổi./.