Đức “Chính” trong tư tưởng Hồ Chí Minh
“Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là những chuẩn mực đạo đức cốt lõi trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Thăm Bệnh xá Vân Đình, tỉnh Hà Tây ngày 20-4-1963, Bác Hồ căn dặn
cán bộ bệnh xá thực hiện “Lương y như từ mẫu”
Những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp này đã tồn tại qua thời gian, qua các chế độ xã hội và đã được Bác Hồ tiếp thu, phát triển nội dung của những chuẩn mực ấy để rèn luyện chính mình và răn dạy chúng ta. Có người cho rằng: Giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư thì e cổ quá. Bác đã ôn tồn giải thích: “Cái gì cũ mà tốt thì phải tiếp thu, phát triển lên”.
Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Bản thân Người thực sự là tấm gương mẫu mực của cần, kiệm, liêm, chính. Bốn đức ấy, đức nào cũng quý, cũng cần, Bác Hồ đã ví như bốn mùa của trời, bốn phương của đất, thiếu một đức, thì không thành người. Với chữ “chính”, đức “chính”, Bác không phân tích nhiều, Người viết: “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn đứng đắn. Điều gì không thẳng thắn, đứng đắn, tức là tà”.
Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa, quả mới là cây hoàn toàn. Một người phải cần, kiệm, liêm nhưng còn phải chính mới hoàn toàn. Trên quả đất có hàng muôn triệu người. Số người ấy có thể chia làm hai hạng người thiện và người ác. Trong xã hội, tuy có trăm công nghìn việc. Song những công việc ấy có thể chia làm hai thứ: việc chính và việc tà. Làm việc chính, là người thiện. Làm việc tà, là người ác. Siêng năng (cần), tằn tiện (kiệm), trong sạch (liêm), chính là thiện. Lười biếng, xa xỉ, tham lam là tà, là ác.
Chữ “chính” của Bác là sự tiếp thu, phát triển chữ “chính” từ đạo Nho của Đức Khổng Tử. Đức Khổng Tử nêu học thuyết của mình cách đây khoảng 2.500 năm đòi hỏi xã hội phong kiến phải thực hiện cho được “chính danh”. Danh là tên gọi của con người hoặc sự vật. Danh có thể hiểu là do con người đặt tên cho sự vật và hiện tượng khi đã hiểu biết về bản chất của nó. “Chính danh” nghĩa là tên gọi của sự vật thế nào thì bản chất của sự vật như thế ấy. Vua phải thật sự xứng đáng là vua, có đầy đủ các tố chất về tài, đức, về trí tuệ. Các thứ bậc, quan tước được cất nhắc, bổ nhiệm cũng phải có đầy đủ những tiêu chí xứng đáng với chức vụ được bổ (những tiêu chí ấy bây giờ tương tự như chúng ta coi đó là các tiêu chuẩn cán bộ). Trong các mối quan hệ thì cha phải ra cha, con phải ra con, vợ phải ra vợ, chồng phải ra chồng, trên phải ra trên, dưới phải ra dưới… Đức Khổng Tử cho rằng danh có chính thì ngôn mới thuận. Ngôn là biểu hiện không chỉ của danh mà còn là biểu hiện của trí tuệ và các phẩm chất bảo đảm của chính danh. Học thuyết chính danh của Khổng Tử vô cùng sâu sắc và gần gũi với chúng ta hiện nay. Bác Hồ dạy cán bộ, đảng viên đạo làm gương, nêu gương: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” cũng có cội nguồn sâu xa từ thuyết chính danh.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni quan niệm về cuộc đời là những chuỗi ngày đau khổ, là sự luân hồi, nhân - quả. Người đã tìm ra chân lý của sự khổ đau vô tận của con người do thập kết sử (mười điều) do chính con người tạo ra: tham lam, giận dữ, si mê, kiêu ngạo, nghi ngờ, thân kiến, biến kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ; trong đó đặc biệt có tam độc (ba điều): tham lam, giận dữ, si mê là nguyên nhân chính của sự đau khổ. Đức “chính” theo quan niệm của đạo Phật hết sức toàn diện cả tư duy đến hành động, cả lời nói đến việc làm trong mọi mối quan hệ của con người. Cái đích chữ chính của Đức Phật là cái đích hướng thiện, loại bỏ cái tà, cái ác...
Bác Hồ kính yêu tiếp thu những tinh túy cái thiện của Đức Khổng Tử, Đức Phật, Người định nghĩa: chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Nội dung chữ chính của Bác có cả những điều trong chữ Chính của tinh hoa văn hóa nhân loại: nhân loại luôn có xu hướng hướng thiện, hướng tới cái chính, không chấp nhận cái tà, cái ác. Thực hiện chữ chính theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải bắt đầu từ tâm và phải là sự tu dưỡng bền bỉ suốt đời. Trong mối quan hệ với “liêm”; có “liêm” thì mới có “chính”; có “cần”, “kiệm” thì có “liêm”; nhưng cũng có khi có “liêm” mà chưa thể có “chính” hoàn toàn. Ví dụ như có một người trong cuộc sống và quan hệ luôn liêm khiết, trong sáng, nhưng trước hành vi lũng đoạn, sa đọa của người khác lại không dám góp ý, không dám đấu tranh... thì người đó chưa chính tâm, chưa chính ngôn... Cho nên trong bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính mà Bác dạy chúng ta đức nào cũng vô cùng cần thiết và thực hiện nó không hề dễ. Đức “chính” là kết quả của cần, kiệm, liêm nhưng không phải cứ thực hiện tốt cần, kiệm, liêm là có “chính”, phải thấy “chính” độc lập tương đối, đồng thời cũng là cái đức khó thực hiện nhất trong bốn đức. Trong đời sống “chính” có ý nghĩa vô cùng sâu rộng, vô cùng cần thiết, nhưng không phải ai cũng thực hiện được, nhất là trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường hiện nay ở nước ta.
Thực hiện tốt đức “chính” thật sự là niềm tin, là sự công bằng, văn minh và ổn định chính trị, xã hội. Những điều đó đòi hỏi ở mọi người, trước hết là ở Đảng, ở cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người đang giữ những cương vị, những trọng trách của Đảng và chính quyền các cấp, bởi vì, họ như những tấm gương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân noi theo... Hiểu được và làm được chữ “chính” trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh không hề đơn giản mà nó là niềm tin, là cội nguồn của sự đoàn kết, là biểu hiện của một xã hội chân chính, một Đảng chân chính, một tương lai chân chính, bắt đầu từ mỗi con người chân chính..
Theo Báo Hải Dương online