Xuất bản thông tin

null Ngăn ngừa hoạt động phát tán tin giả về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Ngăn ngừa hoạt động phát tán tin giả về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

“Tăng cường xử lý các tài khoản, trang mạng xã hội lan truyền một số thông tin bịa đặt, thiếu trung thực, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống, nhất là hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”- Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đối với Công an Tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp.

Những ngày qua, khi Đồng Tháp và cả nước đang gồng mình, chung tay đồng lòng chống dịch Covid-19 thì vẫn có không ít người thiếu ý thức, đăng tải nhiều thông tin sai lệch, bóp méo, xuyên tạc trên mạng xã hội làm rối loạn thông tin, gây hoang mang trong dư luận.

Những hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh thời gian qua trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Cùng với thói quen chia sẻ thông tin tùy tiện, không kiểm chứng và thiếu trách nhiệm, không ít người vô tình đã tiếp tay cho những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội lan truyền chóng mặt theo cấp số nhân và sự nguy hiểm của nó không thua vi-rút SARS-CoV-2. Đáng chú ý, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát cho đến nay đã làm vấn nạn tin giả trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết, tin giả liên quan đến dịch bệnh này được tán phát rất nhanh trên không gian mạng vì là vấn đề được quan tâm, chú ý rất lớn của người dân cả nước, gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh, trật tự. Tin giả về Covid-19 được tán phát chủ yếu hiện nay thông qua môi trường mạng xã hội (Facebook, Youtube, Zalo, Tiktok…). Việc phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi đăng tin giả về Covid-19 đã được Công an tỉnh Đồng Tháp thực hiện quyết liệt nhất là trong đợt dịch lần thứ 4 này.

Ảnh có chứa văn bản

Mô tả được tạo tự động

Nhận diện tin giả liên quan đến dịch bệnh Covid-19

Tin giả (fake news) được hiểu là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, xuất hiện sai lệch về nội dung, được phát tán trên không gian mạng và các phương tiện truyền thông, bao gồm cả truyền thông xã hội. Thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng xấu đã thực hiện nhiều phương thức, thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc, tác động vào tư tưởng, tình cảm của người tiếp nhận, gây tâm lý hoang mang, dao động, hoài nghi của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, gây bất ổn xã hội.

Hiện nay, Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Tháp chúng ta nói riêng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trước đại dịch Covid-19. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi làng bản là một pháo đài”, cả hệ thống chính trị và người dân đang chung sức, đồng lòng, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Đến thời điểm này, những biện pháp quyết liệt trong phòng chống dịch của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã phát huy hiệu quả, nhận được đánh giá cao của dư luận quốc tế và trong nước, được Nhân dân tin tưởng hưởng ứng.

Thế nhưng, trên một số phương tiện truyền thông, mạng xã hội vẫn xuất hiện những thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân; nhiều bình luận xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn về công tác phòng, chống dịch bệnh, về nguồn gốc, mức độ an toàn và sự cần thiết của việc tiêm vắc-xin phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương,… từ đó, đã gây nhiễu loạn thông tin, tạo lâm lý lo lắng, hoang mang trong quần chúng nhân dân, tác động, gây ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và tình hình an ninh trật tự.

Đáng nói hơn nữa là bên cạnh các thế lực thù địch, phần tử xấu trong và ngoài nước đang lợi dụng dịch Covid-19, tích cực hoạt động chống phá thì một bộ phận không nhỏ cá nhân đã góp phần tạo ra và lan truyền những thông tin bịa đặt, đó là những cá nhân thích được nổi tiếng, được chú ý. Họ bịa đặt ra các thông tin về dịch bệnh chỉ để thỏa mãn nhu cầu, để “câu view”, “câu like”, kiếm “lượt tương tác” mà không lường hết hậu quả gây ra. Cũng có những người do thiếu hiểu biết, nhận thức chưa đầy đủ, thậm chí bị lợi dụng, nhẹ dạ cả tin, thiếu bản lĩnh, mất cảnh giác hoặc vì lý do nào đó mà vô tình hay cố ý tán phát, lan truyền thông tin giả lên mạng xã hội gây ra hậu quả không đáng có về công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay.

Hiểu rõ những tác hại của tin giả về dịch bệnh Covid-19 trên không gian mạng đối với Đảng, Nhà nước và địa phương, Công an tỉnh Đồng Tháp đã chủ động, tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương, chủ yếu là Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Phòng An ninh mạng) đã chủ động, tích cực tổ chức công tác nắm tình hình trên không gian mạng, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ thường xuyên kiểm tra, rà soát các tài khoản mạng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật.

Chỉ tính riêng từ những ngày cuối tháng 6/2021 đến nay, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 tại địa phương có những diễn biến phức tạp, số ca nhiễm ngày càng tăng gây tâm lý lo lắng, hoang mang cho người dân thì Phòng An ninh mạng đã chủ động phối hợp Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, Công an các huyện, thành phố xử lý hơn 57 trường hợp đương sự sử dụng tài khoản mạng xã hội (chủ yếu là Facebook) để đăng tải, chia sẻ tin giả về tình hình dịch bệnh,về công tác phòng, chống dịch bệnh của các cấp, ngành tại địa phương, tạo ra tâm lý hoang mang trong dư luận Nhân dân. Trong đó, đã phối hợp xử phạt vi phạm hành chính 07 trường hợp với tổng mức phạt là 40 triệu đồng; giáo dục, răn đe, cho cam kết không tái phạm 35 trường hợp và tác động, yêu cầu tháo gỡ hơn 60 tin, bài viết có nội dung sai sự thật, “giật tít”, “câu like”, “câu view”, nội dung vi phạm bí mật về tình trạng sức khỏe, đời tư cá nhân gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống cá nhân và gia đình những người có liên quan đến các ca nhiễm, nghi nhiễm, truy vết,… liên quan đến dịch bệnh Covid-19.

Qua làm việc các chủ tài khoản, rất nhiều người có nhận thức sai lầm, cho rằng mạng xã hội là môi trường “ảo” nên bản thân có thể tự do phát ngôn, tự do thông tin mà không phải chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Nhiều trường hợp xuất phát từ mục đích tốt, mong muốn nội dung mình đăng tải có thể cảnh giác cho người khác nên đã đăng tải, chia sẻ nội dung sai sự thật, vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống dịch bệnh của địa phương và cả nước. Đây là một hành vi hết sức nguy hại cho an ninh, trật tự tại địa phương.

Luật An ninh mạng quy định rất rõ: Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng gồm: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”. Bên cạnh Luật An ninh mạng, các luật, nghị định hiện hành của Việt Nam đã có những chế tài nghiêm khắc đối với hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn, xã hội, đặc biệt là đối với hành vi tung tin giả liên quan đến dịch bệnh. Tùy mức độ của tin giả mà có thể bị xử lý ở mức kỷ luật, bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử” hoặc các Nghị định theo từng lĩnh vực cụ thể có liên quan. Thậm chí, nếu hành vi đăng tải, chia sẻ tin giả gây thiệt hại, hậu quả nghiêm trọng, gây nguy hại đến tình hình an ninh, trật tự có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Ảnh có chứa văn bản, trong nhà, xanh lục

Mô tả được tạo tự động

Nâng cao nhận thức, khả năng phòng, chống trước Tin giả trên không gian mạng

Trước tình hình trên, việc nâng cao nhận thức, khả năng “tự miễn dịch” cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân là nội dung quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tin giả trên không gian mạng; đặc biệt là trong thời điểm tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biễn phức tạp như hiện nay. Để làm tốt điều này, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân. Theo chúng tôi cần thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân phải thể hiện trách nhiệm với chính bản thân mình và cộng đồng, bình tĩnh, cảnh giác, chủ động kiểm chứng khi tiếp nhận thông tin, tránh vô tình tiếp tay cho kẻ xấu, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội lan truyền những tin giả, thông tin bịa đặt trên không gian mạng. Đồng thời, tăng cường đăng tải, chia sẻ, lan tỏa những thông tin chính thống của các cơ quan chức năng, tích cực lan tỏa về những tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, nhất là những việc làm, hành động đẹp, ý nghĩa trong phòng chống dịch bệnh, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, đẩy lùi tin giả trên không gian mạng tại địa phương.

Thứ hai , cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trình độ, kiến thức, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là kỹ năng sử dụng mạng xã hội, làm cho mọi người dân có thể tự thẩm định, đánh giá các thông tin; nhận diện, phân biệt được đâu là tin thật, đâu là tin giả, tin độc hại, tăng cường khả năng “đề kháng” trước những thông tin tiêu cực, xuyên tạc, bịa đặt, đồng thời tích cực đấu tranh phản bác các thông tin đó.

Thứ ba, các cơ quan chức năng tại địa phương cần đa dạng hóa nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Chủ động, kịp thời cung cấp đầy đủ, chính xác những thông tin chính thống về diễn biến dịch bệnh, các biện pháp phòng chống và kết quả đạt được để cán bộ, đảng viên và mọi người dân có cơ sở phân biệt và nhận diện rõ những thông tin giả mạo, tin đồn thất thiệt ngăn chặn tác động tiêu cực của nó trong cộng đồng. Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông, nhất là hệ thống truyền thanh cơ sở; tận dụng tốt những tiện ích của internet, mạng xã hội để kết nối thông tin đến mọi người dân, đảm bảo thông tin chính thống giữ vững vai trò chủ đạo, định hướng dư luận.

Thứ tư, tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực thông tin, truyền thông. Thực hiện các biện pháp cụ thể để quản lý, giám sát, xử lý triệt để thông tin giả, tin đồn thất thiệt trên địa bàn Tỉnh, trong đó lực lượng Công an Tỉnh và ngành thông tin, truyền thông và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet ở địa phương giữ vai trò chủ đạo.

Xử lý nghiêm đối với những trường hợp sử dụng không gian mạng đăng tải, phát tán những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, đặc biệt là về tình hình dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, kịp thời động viên, khen thưởng những trường hợp đóng góp tích cực, kịp thời cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương.

Thứ năm, chủ động, kịp thời đấu tranh, phản bác những bài viết có nội dung vu khống, thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc sự thật, nhất là trên không gian mạng./.

Ảnh có chứa văn bản, người, trong nhà

Mô tả được tạo tự động

Đoàn Thanh niên Công an Tỉnh (KN)