Xuất bản thông tin

null Châu Thành: Tấm gương người tốt, việc tốt của người Bác sĩ về hưu

Chi tiết bài viết Tin tức sự kiện Trang bìa

Châu Thành: Tấm gương người tốt, việc tốt của người Bác sĩ về hưu

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, trên địa bàn xã An Hiệp, huyện Châu Thành, đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến từ cách làm sáng tạo. Điển hình trong số đó là việc vận động nhân dân hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công để làm đường giao thông nông thôn, qua đó, góp phần làm thay đổi diện mạo làng quê, là nền tảng vững chắc giúp địa phương phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở nhận thức về nội dung và ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới là phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư là chính, các hoạt động do chính người dân bàn bạc dân chủ quyết định và tổ chức thực hiện. Trong đó người dân là người được hưởng thụ, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí để định hướng phát triển, phát huy vận động đóng góp của cộng đồng. Từ đó mà nhiều năm qua chú Đào Thành Lũy – là Bác sĩ đã về hưu, hiện ngụ ấp An Thạnh, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã tích cực tham gia thực hiện và phối hợp tuyên truyền vận động người thân trong gia đình và bà con xóm ấp cùng tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Nhắc đến chú Đào Thành Luỹ người dân trên địa bàn ấp An Thạnh đều quá đổi quen thuộc vì những đóng góp của chú cho xã nói chung và trên địa bàn ấp nói riêng, một cán bộ về hưu nhưng chú luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội, thấy ở đâu còn khó, bà con còn khổ là chú giúp tận tình không quản ngại xa xôi hay vất vả gì, cái gì nào trong khả năng thì chú giúp liền, còn cái nào lớn cần vận động thì chú hứa rồi đính thân đi tìm nguồn vận động cho bà con mình.

Nhớ hồi tháng 08 năm 2019, cây cầu số 04 ấp An Thạnh bị xuống cấp, bà con, các em học sinh đi lại khó khăn, thấy vậy ông liền vận động mạnh thường quân ở TP.Hồ Chí Minh số tiền 140 triệu đồng để xây dựng một cây cầu mới kiên cố hơn, từ đó bà con trong ấp đi lại dễ dàng, vận chuyển hàng hoá cũng an toàn hơn. Vận động mạnh thường quân xây dựng 04 cầu bê tông cốt thép trên địa bàn ấp năm 2018, tổng giá trị 258 triệu đồng. Bên cạnh đó chú còn phối hợp cùng ban nhân ấp tuyên truyền vận động bà con di dời vật kiến trúc để thi công 03 tuyến đường láng nhựa trên địa bàn ấp: tuyến thứ nhất từ cầu Cái Tôm Xuôi đến cầu Xẻo Trèn dài hơn 1 km, tuyến thứ hai Từ nhà ông Sáu Chu đến nhà ông Sáu Thương dài 650 m đã đi vào sử dụng, tuyến thứ ba từ cầu Cái Tôm ngang đến cầu Sáu Chu đang thi công. Trong tháng 10 năm 2022, vận động mạnh thường quân 12 triệu đồng và bà nhân đóng góp làm bờ kè chống sạt lỡ từ cầu số 2 đến cầu số 4 chiều dài 55m.

Không những vậy chú Đào Thành Luỹ luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, luôn đi đầu và vận động bà con hàng xóm hưởng ứng tốt cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, an ninh trật tự an toàn giao thông, tạo cảnh quan sạch đẹp, tạo mối quan hệ gần gũi tôn trọng và giúp đỡ khi ốm đau hay hữu sự, tình làng nghĩa xóm, bản thân có đóng góp vào sự nghiệp giáo dục mỗi năm trích 2 triệu cho trường mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn xã.

Ngoài ra để chung tay bảo vệ môi trường, chú đã tham gia Ban chủ nhiệm câu Lạc bộ phật tử chùa Trúc Lâm, ấp An Thạnh bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu; vận động phật tử Chùa và Nhân dân tham dự trồng được 2km cây xanh và hoa dọc tuyến đường huyện lộ Sông Tiền và đường nội bộ ấp An Thạnh; vận động mạnh thường quân hỗ trợ 1200 phần quà, tổng giá trị 250 triệu đồng, gồm tiền mặt và nhu yếu phẩm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã.

Để cải thiện bộ mặt nông thôn, chung tay cùng xây dựng nông thôn mới, chú đã vận động bà con trong khu vực ấp An Thạnh làm đẹp đường làng ngõ xóm, đoàn kết giúp nhau trong đời sống xã hội, bản thân chú đã vận người thân và nhân dân trên tuyến đường Cầu Xẻo Trèn đến cầu Cái Tôm Xuôi trồng 500 cây mai vạn phúc, để cây phát triển tốt chú còn ra sức chăm sóc giai đoạn đầu, bỏ công cắt tỉa đến nay đoạn đường đã hình thành, hoa đang trong mùa nở rộ, ai đi ngang qua con đường ấy đều trầm trồ khán phục sự mài mò chịu khó của chú Luỹ.

Ngoài ra bản thân chú còn tham gia vào Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở ấp, tham gia trực tiếp giám sát 12 công trình cầu và đường với tổng ngày công đóng góp là 355 ngày công.

Hỏi về những việc đã làm chú Luỹ cười to, nói:  “Nếu tất cả đùn đẩy hết cho nhà nước thì có giàu như nước Mỹ cũng không lo xuể bởi nước Mỹ cũng còn có khu ổ chuột và người nghèo. Tôi nghĩ rằng việc an sinh xã hội là việc của nhà nước và nhân dân cùng gắn kết chăm lo, tùy theo khả năng. Nhà nước lo những chương trình an sinh tầm vĩ mô, còn chúng ta thiện nguyện làm những việc nhỏ phù hợp khả năng để chia sẻ với quê nghèo, người nghèo. Tôi quan niệm nếu cả xã hội cùng giúp nhau vượt khó thì sự phát triển mới bền vững. Chúng ta không thể bình yên hay hạnh phúc riêng mình khi còn có quá nhiều người khó khổ ở đâu đó trên quê hương. Việc giúp người cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” là những giá trị nhân văn cần phát huy bên cạnh chính sách an sinh được hoạch định bởi nhà nước”.

Đó, cũng chính từ những suy nghĩ tích cực như thế, chú đã âm thầm hy sinh, đóng góp cho địa phương những điều bình dị, thiết thực nhất, từ cây bông, từ việc mé cây tới việc vận động xây dựng cả cây cầu. Tất cả những gì chú Luỹ làm chỉ vì mục đích mong sau cho địa phương mình phát triển hơn, giàu đẹp hơn, không nghĩ gì đến lợi ích của cá nhân.

Từ những việc của chú Luỹ, chúng ta càng nhận ra rằng sự cho đi và nhận lại này không nên hiểu theo kiểu quá rạch ròi, đôi khi chúng ta nhận từ người này để có thể "cho" hiệu quả hơn đến người khác, và từ đó các giá trị được lan tỏa sâu rộng, ý nghĩa hơn.

Một số hình ảnh nổi bật

Hoàng Duy – Huyện đoàn Châu Thành