Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp: Nhiều mô hình sáng tạo phòng chống rác thải nhựa

TIN TRONG TỈNH NÔNG THÔN MỚI

Đồng Tháp: Nhiều mô hình sáng tạo phòng chống rác thải nhựa

Không thể phủ nhận rằng, vật dụng bằng nhựa có nhiều giá trị sử dụng trong cuộc sống con người. Tuy nhiên, hiện nay con người đang quá phụ thuộc vào vật dụng nhựa dùng một lần, từ đó gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến môi trường. Nhận thức được sự ảnh hưởng tiêu cực của rác thải nhựa, nhiều mô hình của Đoàn thanh niên tỉnh Đồng Tháp được triển khai rộng khắp đến học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên như cụm dân cư xanh – an toàn, bãi rác – vườn hoa, câu lạc bộ tuyên truyền viên bảo vệ môi trường, tổ tự quản vệ sinh môi trường, hành trình lốp xe thứ hai, mô hình đổi rác thải nhựa lấy quà…

Nổi bật năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã hỗ trợ 02 tỷ đồng cho 04 mô hình xây dựng nông thôn mới ở 20 xã phấu đấu đạt chuẩn nông thôn mới từ tháng 6 đến tháng 10. Kết quả, toàn tỉnh có 105 cụm tuyến dân cư xanh an toàn, 158 điểm bãi rác – vườn hoa, 23 đội tuyên truyền viên bảo vệ môi trường

Tỉnh đoàn giao nhận dụng cụ thực hiện các mô hình

Cụm dân cư xanh – an toàn: Các đơn vị tổ chức khảo sát, lựa chọn Cụm (tuyến) dân cư để thực hiện mô hình Cụm (tuyến) dân cư Xanh – An toàn với nhiều phần việc cụ thể như sau: Tổ chức ra quân hoạt động tuyên truyền cho đoàn viên thanh niên và Nhân dân nâng cao nhận thức, hình thành thói quen thực hiện nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư; Trang bị thùng rác, xọt chứa rác bố trí ở những nơi công cộng, vận động nhân dân bỏ rác đúng nơi qui định…

Triển khai cụm dân xanh – an toàn ở huyện Hồng Ngự

Mô hình bãi rác – vườn hoa: Chọn địa điểm đang (hoặc có nguy cơ) trở thành nơi tập kết rác sai quy định, gây ô nhiễm môi trường sống; tiến hành thu dọn rác, san lấp mặt bằng, trồng hoa, cây cảnh trên chậu hoặc trên đất, sắp xếp các tiểu cảnh; bố trí các khẩu hiệu tuyên truyền; vận động bà con nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; đặt ghế đá, cắm bảng tên mô hình… qua đó tạo cảnh quang sạch, đẹp để người dân có nơi tập thể dục, thư giãn sao giờ lao động, học tập. Đặc biệt, Sử dụng các nguyên liệu, vật dụng có sẵn, đã qua sử dụng; vật liệu, tái chế, dễ tìm… để trồng hoa và cây cảnh cây cảnh (như vỏ xe ô tô cũ, chậu nhựa, thùng nhựa, chậu gốm sứ vận động từ người dân, vải bạt ny-lon…).

Bãi rác – vươn hoa ở huyện Châu Thành

 Phát huy và nhân rộng Đội hình tuyên truyền viên bảo vệ môi trường: tổ chức các hoạt động ra quân vệ sinh môi trường, phát tờ rơi tuyên truyền đến người dân, hướng dẫn người dân phân loại rác, nâng cao nhận thức của người dân địa phương về việc phòng chống rác thải nhựa, hướng dẫn người dân sử dụng biện pháp, chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, hướng dẫn xây dựng các công trình xử lý rác, xây dựng các mô hình xử lý rác thải, vận động người dân tự quản về môi trường.... hỗ trợ xây dựng các hố xử lý rác thải, hiện tại, trong toàn tỉnh trên 300 hố xử lý rác đang được sử dụng tại các huyện như: Thanh Bình, Hồng Ngự, Tam Nông,...

Mô hình đổi rác thải nhựa lấy quà cũng được triển khai sâu rộng đến các cấp bộ Đoàn trong tỉnh: học sinh, đoàn viên thanh niên đem các vỏ chai nhựa,… đến quầy đổi tập, dụng cụ học tập, các nhu yếu phẩm… Hiện nay 100% Huyện Thành đoàn triển khai mô hình này, được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Mô hình được lồng ghép vào hoạt động như Ngày Chủ nhật xanh, vòng tay tình nguyện, Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, Tháng thanh niên…

Tặng túi vải cho người dân

Bên cạnh đó Tỉnh đoàn còn hỗ trợ các tổ tự quản vệ sinh môi trường gần 48,1 triệu đồng cho 37 tổ tại 37 xã. Các tổ hoạt động chủ yếu là thu gom rác thải nhựa, dọn dẹp vệ sinh môi trường,…

Các mô hình chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường đã góp phần xây dựng môi trường xanh sạch đẹp, xây dựng nông thôn mới và quê hương Đồng Tháp giàu đẹp. Thể hiện tinh thần xung kích tích nguyện của tuổi trẻ Đồng Tháp.

Băng Giang - TNNTCNĐT