Xuất bản thông tin

null PHẢN BIỆN CẢNH GIÁC VỚI TỘI PHẠM TIỀN GIẢ

Chi tiết bài viết BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

PHẢN BIỆN CẢNH GIÁC VỚI TỘI PHẠM TIỀN GIẢ

Thời gian qua, tình hình tội phạm tiền giả ngày càng diễn biến phức tạp và đa dạng, mức độ ngày càng tinh vi và táo bạo hơn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự và đời sống của người dân. Hoạt động của tội phạm tiền giả tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nguy hại đến an ninh chính trị, an ninh kinh tế nói chung và an ninh tài chính – tiền tệ nói riêng. Về âm mưu, phương thức, thủ đoạn và cách phòng ngừa đối với loại tội phạm này cụ thể như sau:

Âm mưu, phương thức, thủ đoạn của tội phạm tiền giả

Thủ đoạn của bọn tội phạm này rất xảo quyệt và thường có tính tổ chức, thậm chí có sự móc nối giữa các tổ chức tội phạm tại nhiều quốc gia. Mặt khác, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, khả năng làm tiền giả của bọn tội phạm cũng ngày càng tinh vi. Thực tế tại nhiều nước, chỉ một thời gian rất ngắn sau khi một mẫu tiền mới được phát hành, bọn tội phạm đã có thể làm giả; lúc đầu, tờ tiền giả còn thô sơ, nhưng dần dần chúng sẽ cải tiến để giống tiền thật hơn và người thường xuyên tiếp xúc với tiền cũng dễ bị nhầm lẫn nếu chủ quan.

Về nơi tiêu thụ: tiền giả Việt Nam đa số được sản xuất từ nước ngoài, sau đó được bọn tội phạm chuyển vào nội địa tiêu thụ với nhiều hình thức khác nhau. Trước đây, tiền giả thường được đưa vào Việt Nam từ ngoài biên giới, gây mất an ninh tiền tệ, phá hoại kinh tế. Hiện nay, các đối tượng đã liều lĩnh hơn khi tự trang bị các thiết bị hiện đại sản xuất tiền giả và tiêu thụ ngay trong nước. Thậm chí, tội phạm còn sử dụng tiền giả để lừa cả các đối tượng tội phạm khác trong các phi vụ mua ma túy, chất kích thích.

Đối với tội phạm này luôn có đồng phạm là người thân hoặc bạn bè. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, chúng tổ chức thành một đường dây liên hoàn từ khâu mua bán, vận chuyển, cất giấu đến các chân rết tiêu thụ nhỏ lẻ trãi dài trên các tuyến đường đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa khác nhau; nơi mà khả năng tiếp cận của người dân với các thông tin về tình hình kinh tế - xã hội nói chung và thông tin về tiền giả nói riêng còn hạn chế; những nơi vắng người hay nơi dễ tẩu thoát khi bị phát hiện; tại khu vực thành thị, bọn tội phạm cũng không loại trừ lợi dụng khi những người bán hàng đang bận rộn, thiếu cảnh giác hoặc những người già, kém mắt…để thực hiện hành vi tiêu thụ tiền giả.

Thời gian thực hiện: bọn tội phạm thường lợi dụng tiêu thụ tiền giả lúc nhập nhoạng sáng, tối hay nơi không đủ ánh sáng để quan sát, kiểm tra tờ tiền. Hoặc nếu phát hiện các cơ hội thuận lợi như người bán hàng đang bận rộn, thiếu tập trung…thì thậm chí ngay giữa ban ngày hoặc nơi đông người, bọn tội phạm cũng sẽ lợi dụng để tiêu thụ tiền giả thông qua việc thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ.

Cách thức tiêu thụ: chúng dùng tờ tiền giả mệnh giá lớn mua một loại hàng hóa giá trị rất nhỏ, như chén nước, điếu thuốc…để được trả lại bằng tiền thật; chúng thường lừa những người buôn bán nhỏ, người già, nhất là ở các vùng nông thôn. Một thủ đoạn khác mà bọn tội phạm hay sử dụng đó là mang tiền giả lên các vùng sâu vùng xa, nơi mà người dân rất thật thà, tin người và có rất ít thông tin về tiền giả để mua hàng hóa, thường chúng để tiền giả xen lẫn với tiền thật. Liều lĩnh hơn, chúng còn chủ động các hành vi khiến cho người tiếp xúc thiếu tập trung, mất cảnh giác để mua hàng với giá trị lớn bằng tiền giả và sau đó bán hàng để thu tiền thật, thủ đoạn này chúng có thể thực hiện ngay tại cả khu vực thành thị.

Điển hình một số vụ việc liên quan tiền giả

Tại địa bàn tỉnh Đồng Tháp, từ tháng 3/2017 đến tháng 8/2017, đối tượng Thái Bình Dương đã 04 lần mua tiền giả của một đối tượng tên Hùng ở TP. HCM với tổng cộng 350 tờ tiền giả loại polymer, mệnh giá 50.000đ. Tỷ lệ mua bán tiền giả là 50/100, tức là 50.000đ tiền thật, đổi lấy 100.000đ tiền giả. Số tiền này, Dương mang về cất giấu ở nhà tại ấp Bình Trung, xã Bình Phước Xuân, Chợ Mới, An Giang rồi lấy đi tiêu thụ dần tại nhiều địa phương của hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Đến ngày 14/8/2017, đối tượng đang tiêu thụ tiền giả tại xã Tân Long, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp thì bị phát hiện, bắt giữ. Hành vi của Thái Bình Dương đã xử phạt theo quy định tại điều 180 – Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015 về tội “Lưu hành tiền giả”.

Tại địa bàn tỉnh Đăk Nông, vụ sản xuất tiền giả xảy ra với quy mô khá lớn vào khoảng tháng 02/2020 với số tiền giả được in ra hơn 1,8 tỉ đồng. Trực tiếp sản xuất tiền giả là Nguyễn Đức Huy (ngụ tại TP. Hồ Chí Minh, tạm trú Đắk Nông), đối tượng có 2 tiền án về tội “cướp giật tài sản”.

Nghiện ma túy nhưng không có tiền mua ma túy sử dụng nên sau nhiều ngày mày mò, Huy học được cách làm tiền giả và móc nối với một số đối tượng mua máy in, nguyên liệu về để làm. Chỉ từ tháng 7/2018 đến ngày 24/4/2019, Huy đã cùng đồng bọn in ra số tiền giả gần 2 tỷ đồng mệnh giá 500.000 đồng và 50.000 đồng đem bán cho các đối tượng tiêu thụ tổng cộng hơn 1,8 tỉ đồng tiền giả, thu về 568 triệu đồng tiền thật. Ngày 24/4/2019, đối tượng Nguyễn Đức Huy bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Nông bắt khẩn cấp. Quá trình khám xét chỗ ở, cơ quan công an thu được 78 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng chưa hoàn thiện và nhiều dụng cụ máy móc dùng để làm tiền giả. 

Các đối tượng: Nguyễn Đức Huy (SN 1988, ngụ TP. HCM) bị truy tố về tội "Làm và lưu hành tiền giả"; Nguyễn Hữu Linh (SN 1989, ngụ tỉnh Đồng Nai) bị truy tố về tội "Tàng trữ tiền giả" và "Tàng trữ trái phép chất ma túy". 14 đối tượng khác ở nhiều tỉnh thành cùng bị truy tố về tội "Lưu hành tiền giả".

Hành vi mua và bán tiền giả, không phân biệt giá trị lớn hay nhỏ đều có thể bị xử lý hình sự về tội “làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả” theo Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đã có rất nhiều vụ, các đối tượng mua bán tiền giả bị khởi tố, phải hầu tòa và người chịu thiệt hại không chỉ là các nạn nhân bị lừa đảo bằng giao dịch tiền giả, mà ngay cơ quan quản lý tiền tệ cũng bị ảnh hưởng.

Pháp luật luôn nghiêm khắc với tội phạm tiền giả. Dù tiền giả tinh vi đến đâu cũng chỉ giống về hình thức khi nhìn thoáng qua, không tinh xảo, không đủ các chế độ bảo mật như tiền thật nên dễ nhận biết nếu kiểm tra kỹ. Khi có nghi ngờ, người dân phải từ chối hoặc báo với cơ quan chức năng để xử lý. Thủ đoạn của các đối tượng ngày một tinh vi, đa dạng, nếu người tiêu dùng lỡ nhận phải tiền giả, vì xót của không báo cho cơ quan chức năng mà tiếp tục tìm cách tiêu thụ thì sẽ gây khó khăn cho các cơ quan chức năng chuyên trách, đồng thời góp phần tiếp tay cho tội phạm, tự biến bản thân thành người phạm tội.

Thời gian tới, để tránh rủi ro nhận phải tiền giả, mọi người cần:

- Quan tâm tìm hiểu để nắm rõ các đặc điểm cơ bản trên tờ tiền thật do Ngân hàng Nhà nước phát hành, đồng thời có ý thức (thói quen) kiểm tra tiền cẩn thận khi nhận từ khách hàng để có thể chủ động phát hiện tiền giả (hoặc nghi tiền giả).

- Khi thấy người mua hàng hoặc người tiếp xúc có các dấu hiệu khả nghi như dùng tiền mệnh giá lớn để mua hàng hóa giá trị rất nhỏ hoặc các hành vi, thái độ không bình thường khi giao dịch mua bán…, nhất là trong các bối cảnh về không gian, thời gian mà bọn tội phạm thường lợi dụng để thực hiện hành vi tiêu thụ tiền giả như đã nêu ở trên thì cần cảnh giác kiểm tra cẩn thận tiền do những khách mua hàng trả.

- Một vấn đề nữa mà mọi người cần làm một cách tự giác, đó là khi nhận phải tiền giả hoặc phát hiện những người có hành vi tiêu thụ, buôn bán tiền giả thì kịp thời báo cơ quan công an hoặc ngân hàng nơi gần nhất. Bọn tội phạm chủ yếu lừa người dân để tiêu thụ tiền giả, do vậy các thông tin mà nhân dân cung cấp kịp thời sẽ giúp cho các cơ quan chức năng đấu tranh có hiệu quả hơn với nạn tiền giả, qua đó bảo vệ lợi ích của nhân dân tốt hơn.

P.T.U - Chi đoàn ANND (BTG)