Xuất bản thông tin

null ĐẤU TRANH CHỐNG HOẠT ĐỘNG LỢI DỤNG TÔN GIÁO CHIA RẼ KHỐI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, GÂY MẤT ỔN ĐỊNH, ĐE DỌA ANQG DÂN TỘC

Chi tiết bài viết BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

ĐẤU TRANH CHỐNG HOẠT ĐỘNG LỢI DỤNG TÔN GIÁO CHIA RẼ KHỐI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, GÂY MẤT ỔN ĐỊNH, ĐE DỌA ANQG DÂN TỘC

Tôn giáo là lĩnh vực nhạy cảm, thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế. Đây cũng là lĩnh vực dễ bị lợi dụng vào các hoạt động gây chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị - xã hội. Vì vậy, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn thâm độc này là vấn đề cấp thiết.

Với những đặc điểm tôn giáo dưới đây, Việt Nam luôn là quốc gia mà các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề này để gây mâu thuẫn, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc và gây mất ổn định ANQG. Cụ thể:

1/. Việt Nam là 1 nước có nhiều hình thức tín ngưỡng và tôn giáo, các tôn giáo tồn tại bên nhau tương đối hòa thuận không có xung đột Tôn giáo xảy ra. Mặc dù, vẫn có một số phần tử cực đoan lợi dụng tôn giáo liên kết, liên tôn móc nối với các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo để kích động, xúi giục tín đồ đòi yêu sách phục hồi các tổ chức tôn giáo, cơ sở thờ tự, đòi lại đất đai tôn giáo, vu khống xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước; kích động, lôi kéo, chuyển hóa các hoạt động nhằm thoát khỏi sự quản lý của Nhà nước.

Việt Nam hiện nay có khoảng 43 tổ chức tôn giáo khác nhau, trong đó có 6 Tôn giáo lớn: đạo Phật có trên 10 triệu tín đồ; đạo Thiên chúa trên 6 triệu tín đồ; Cao đài trên 2 triệu tín đồ; phật giáo Hòa Hảo khoảng 2 triệu tín đồ; Tin lành khoảng 600 ngàn tín đồ; Đạo hồi khoảng 300 ngàn tín đồ. Ngoài ra, còn  rất nhiều tôn giáo lớn nhỏ khác nhau: Nho, Lão, Bà LaMôn, Từ ân hiếu nghĩa… Tổng cộng có trên 20 triệu tín đồ, đặc biệt các tôn giáo có mặt hầu khắp tỉnh thành trong toàn quốc nhất là các tỉnh thành phía Nam.

2/. Tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam phần lớn là nhân dân lao động, niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo sâu sắc, thường cư trú thành từng vùng và có những vùng trở thành toàn tòng (trên 95% người dân theo tôn giáo).

3/. Hàng ngũ chức sắc các tôn giáo ở Việt Nam rất đông đảo, họ có vai trò, vị trí quan trọng trong các tôn giáo và họ có uy tín đối với những người theo đạo.

4/. Các tôn giáo ở Việt Nam hiện đang phát triển rất mạnh nhất là trong các vùng dân tộc thiểu số, trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ở vùng sâu, vùng xa…

5/. Ở Việt Nam một số tôn giáo đã bị địch lợi dụng, hiện chúng đang sử dụng tôn giáo  để tiếp tục tổ chức các họat động chống phá Việt Nam.

Các thế lực thù địch đã sử dụng Tôn giáo để chống lại Cách mạng trước đây. Hiện nay, trong chiến lược diễn biến hoà bình chúng vẫn sử dụng tôn giáo để chống phá ta. Các vụ khiếu kiện, bạo lọan đều có bàn tay chỉ đạo của các thế lực thù địch bên ngoài.

6/. Các tôn giáo lớn ở Việt Nam đều có quan hệ với các tổ chức tôn giáo ở bên ngoài. Chính vì vậy, khi xử lý những vấn đề trong khu vực tôn giáo phải chú ý đến mối quan hệ giữa tôn giáo trong nước với các tổ chức tôn giáo bên ngoài.

* Âm mưu và họat động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định, đe doạ đến ANQG dân tộc   

1. Âm mưu:     

- Các thế lực thù địch không bao giờ từ bỏ âm mưu lợi dụng tôn giáo để gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định, đe doạ đến ANQG dân tộc. Vì lợi ích của Chủ nghĩa tư bản, của các thế lực thù địch là muốn tất cả các quốc gia dân tộc trên thế giới đều theo quỹ đạo của Mỹ và các nước phương tây. Mà muốn thực hiện được thì một trong những đều cơ bản là lợi dụng Tôn giáo. Mặt khác, bản thân Tôn giáo cũng muốn lợi dụng Chủ nghĩa tư bản để phát triển, bành trướng đạo, phát triển đạo. Hai âm mưu, ý đồ này trùng khớp với nhau, tồn tại song song nhau.

- Trong tình hình hiện nay âm mưu của các thế lực thù địch là từng bước biến tôn giáo thành lực lượng chính trị đối trọng với Đảng Cộng sản Việt Nam, đối lập với nhà nước Việt Nam và khi có thời cơ đây là lực lượng giành quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tăng cường phát triển đạo đòi tự do tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ của Nhà nước ta; tổ chức kích động giúp đỡ những phần tử cực đoan quá khích nổi dậy chống chính quyền, kích động việc tranh chấp khiếu kiện trong khu vực tôn giáo để gây mất ổn định chính trị, để hạ uy tín và uy thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

2. Hoạt động:

+ Tuyên truyền chống Việt Nam trên lĩnh vực tôn giáo, tạo cớ, lấy cớ để vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áo tôn giáo và quốc tế hóa vấn đề tôn giáo ở Việt Nam, đòi tự do tôn giáo để thực hiện mục tiêu tách tôn giáo và hoạt động tôn giáo ra khỏi sự quản lý của nhà nước, tạo điều kiện cho tôn giáo phát triển trở thành lực lượng chính trị.

+Tổ chức các họat động tôn giáo trái phép: truyền đạo trái phép, sinh họat tôn giáo trái phép, đào tạo chức sắc tôn giáo trái phép, phục hồi và phát triển hội đòan trái phép; Xây dựng và sửa chữa nơi thờ tự tôn giáo trái phép và lợi dụng họat động từ thiện nhân đạo, từ thiện để thực hiện ý đồ chính trị.

+ Thao túng lũng đọan các tổ chức tôn giáo hợp pháp, đưa các phần tử xấu hoặc là chống đối vào các vị trí quan trọng chủ chốt trong từng tôn giáo.

+ Phục hồi, lập các tổ chức Giáo hội bất hợp pháp nhất là phục hồi Giáo hội phật giáo Việt Nam thống nhất.

+ Lợi dụng các vụ tranh chấp khiếu kiện trong khu vực tôn giáo để tổ chức gây rối, bạo lọan hoặc kích động quần chúng gây áp lực với chính quyền.

Xuất phát từ tình hình trên, để làm tốt công tác tuyên truyền và đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về tôn giáo về công tác tôn giáo. Cấp uỷ, chính quyền các địa phương cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ, nghị quyết của Đảng về công tác tôn giáo, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm đối với công tác tôn giáo. Tăng cường công tác tuyên truyền về hoạt động tôn giáo và đường lối, chính sách đúng đắn về tôn giáo của Đảng, Nhà nước, nhất là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, ngày 30/12/2017 của Chính phủ về "Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo", để cán bộ, người dân và tổ chức, cá nhân theo tôn giáo hiểu, nâng cao nhận thức và chủ động thực hiện đúng.

Đẩy mạnh công tác đối ngoại về tôn giáo, chủ động tham gia các diễn đàn tôn giáo quốc tế và khu vực. Theo đó, thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, các cuộc đối thoại song phương và đa phương, nhất là với Mỹ và các nước Liên minh Châu Âu (EU), các diễn đàn quốc tế, ngoại giao nhân dân để cộng đồng quốc tế hiểu đúng đường lối, chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, lên tiếng ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn song phương và đa phương; cung cấp thông tin chính chính thống phục vụ đấu tranh nhân quyền với các thế lực thù địch vu cáo Việt Nam về vấn đề "tự do tôn giáo". Tạo điều kiện và tổ chức tốt việc đón tiếp các cá nhân, tổ chức quốc tế vào tìm hiểu tình hình, chính sách tôn giáo ở Việt Nam. Thông qua các hoạt động này để thông tin kịp thời về thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hội nghị, diễn đàn quốc tế liên quan đến tôn giáo.

Thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về tôn giáo. Các bộ, ngành tiếp tục rà soát, kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như các chính sách, pháp luật khác có liên quan tương thích với Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Bảo đảm bình đẳng về trách nhiệm, quyền lợi giữa các tổ chức tôn giáo, giữa tổ chức tôn giáo và các tổ chức xã hội khác. Hạn chế để các tổ chức, cá nhân tôn giáo tìm cách xuyên tạc, hiểu sai các quy định của pháp luật, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới đoàn kết dân tộc và ổn định chính trị.

Hai là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, đẩy mạnh hướng dẫn các tổ chức tôn giáo hoạt động theo hiến chương, điều lệ đã được Nhà nước công nhận và theo quy định của pháp luật. Xem xét, giải quyết thấu đáo các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo thuần túy của người dân trên địa bàn, phân biệt sinh hoạt tôn giáo thuần túy và việc lợi dụng tôn giáo trong giải quyết các vụ, việc phức tạp để loại bỏ yếu tố chính trị cực đoan ra khỏi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Siết chặt kỷ cương, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Lồng ghép nội dung, nhiệm vụ công tác tôn giáo với các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào tôn giáo ở địa phương. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, không để xảy ra hiện tượng “nhờn luật” ở cả phía chính quyền và giáo hội, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở trong vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo tuân thủ pháp luật và tham gia phong trào xây dựng, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Tập trung giải quyết có hiệu quả vấn đề nhà, đất liên quan đến tôn giáo. Các địa phương giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện, tranh chấp đất đai có liên quan đến tôn giáo kéo dài nhiều năm và đã có ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ, hạn chế cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc. Hoàn thành quy hoạch đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; chấn chỉnh việc phê duyệt các dự án văn hóa du lịch tâm linh gắn với các cơ sở thờ tự tôn giáo để bảo đảm thực hiện quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật. Chủ động rà soát, đánh giá và quan tâm giải quyết các nhu cầu chính đáng về sử dụng đất đai bởi cơ sở tôn giáo, tránh để các đối tượng cực đoan tạo cớ tụ tập tín đồ, tạo “điểm nóng”, tuyên truyền xuyên tạc, gây phức tạp về an ninh, trật tự. Giao chỉ tiêu kê khai, đăng ký sử dụng đất và sớm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ sở tôn giáo hết năm 2021, hạn chế việc khiếu kiện, lấn chiếm, sang nhượng trái pháp luật.

Đẩy mạnh công tác vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo nâng cao trách nhiệm xã hội trong hoạt động tôn giáo. Các cấp chính quyền cần thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với chức sắc, chức việc, nhà tu hành để nắm tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết các nhu cầu chính đáng, vấn đề phát sinh trong hoạt động tôn giáo. Trân trọng, ghi nhận đóng góp của cá nhân, tổ chức tôn giáo để khích lệ họ nâng cao trách nhiệm công dân trong thực hiện chính sách, pháp luật và các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Thông tin cho các tổ chức tôn giáo về hoạt động chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo, lợi dụng niềm tin của đồng bào nhằm chia rẽ đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc, ảnh hưởng tới an ninh chính trị để tín đồ các tôn giáo cảnh giác, không tin và nghe theo các luận điệu xuyên tạc, kích động, không tham gia các hoạt động trái pháp luật.

Ba là, kiên quyết đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Các lực lượng chức năng triển khai các phương tiện, biện pháp, nhất là đẩy mạnh công tác vận động quần chúng tín đồ, tranh thủ chức sắc, cũng như vận dụng có hiệu quả biện pháp ngoại giao để kiên quyết đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam của các thế lực thù địch. Kịp thời định hướng dư luận trước các vấn đề “nổi cộm”, nhất là các vấn đề liên quan đến tôn giáo, thu hút sự quan tâm sâu sắc của chức sắc, tín đồ tôn giáo. Đẩy mạnh đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nêu gương điển hình tiên tiến đối với các cá nhân, tổ chức tôn giáo thực hiện tốt phương hướng hoạt động “sống tốt đời, đẹp đạo”; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở các địa phương.

Kịp thời phát hiện và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả với các hoạt động lợi dụng tôn giáo và các hiện tượng tôn giáo mới hoạt động chống đối, ly khai, có màu sắc chính trị, không để hình thành tổ chức. Tăng cường công tác nắm tình hình hoạt động của các tôn giáo, không để bị động, bất ngờ, bùng phát thành “điểm nóng”. Chú trọng thu thập, củng cố chứng cứ về các sai phạm của số đối tượng cực đoan trong các tôn giáo để xây dựng kế hoạch xử lý phù hợp. Làm việc với các tổ chức tôn giáo có liên quan, công khai những sai phạm để tín đồ và người dân được biết, tạo sự đồng thuận trong đấu tranh, xử lý.

Đẩy mạnh công tác đấu tranh đối ngoại đối với các hoạt động lợi dụng nhân quyền tôn giáo. Chủ động trong công tác tuyên truyền đối ngoại về tôn giáo, quan tâm hỗ trợ sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tránh để các thế lực xấu lợi dụng, chia rẽ đồng bào; hướng kiều bào về quê hương, đất nước.

Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, củng cố bộ máy làm công tác tôn giáo đủ mạnh, có tính ổn định cao, được giao đủ thẩm quyền để làm tốt công tác quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Bảo đảm bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo phải có năng lực, trình độ tương xứng để có thể quản lý, đối thoại với cá nhân, tổ chức tôn giáo. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố cơ sở chính trị tại vùng có đông tín đồ tôn giáo, nhất là những nơi có các chức sắc hoạt động cực đoan. Phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân, thu hút, tập hợp chức sắc, tín đồ tôn giáo tham gia sinh hoạt trong các đoàn thể đó.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức tôn giáo, nghiệp vụ công tác cho đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác tôn giáo, nhất là ở cơ sở, nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ có trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, có lập trường tư tưởng vững vàng, xóa bỏ nhận thức lệch lạc và hiểu sai chính sách, pháp luật. Chủ động nghiên cứu, nắm vững thông tin và kịp thời tham mưu trong công tác tôn giáo. Xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác tôn giáo giữa các cấp, các ngành và các cơ quan trong hệ thống chính trị để nâng cao trách nhiệm trong giải quyết vấn đề phát sinh tôn giáo, nhất là công tác đấu tranh chống lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị - xã hội.

Có thể khẳng định, những luận điệu cho rằng Việt Nam vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo chỉ là những đánh giá chủ quan, phiến diện của một số người thiểu thiện chí với Việt Nam. Những luận điệu sai trái này không thể làm khó Việt Nam trên con đường xây dựng và phát triển đất nước giàu đẹp, văn minh, mở rộng hợp tác, giao lưu trên trường quốc tế.

PHẠM ĐỨC NHUẬN ĐTN Công an Tỉnh (BTG)