Xuất bản thông tin

null Kiến thức nhận diện các đối tượng giả danh cán bộ, chiến sỹ Công an Nhân dân

Chi tiết bài viết BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Kiến thức nhận diện các đối tượng giả danh cán bộ, chiến sỹ Công an Nhân dân

Thời gian gần đây, hành vi giả danh, mạo danh là cán bộ, chiến sỹ lực lượng CAND diễn ra ngày càng phổ biến với tính chất, mức độ, phương thức thủ đoạn khác nhau, xâm phạm nhân thân, tài sản của công dân, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của lực lượng CAND.

Đơn cử như các vụ việc gần đây như:

- Đêm ngày 28/8/2020, 2 đối tượng là Trần Hữu Sơn và Trần Hồng Thái tự xưng là cán bộ Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an bất ngờ vào ngôi nhà của bà Nguyễn Thị T, ngụ quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh để đọc lệnh bắt, khám xét về hành vi cho vay nặng lãi, đánh bạc. Bà T không khỏi bất ngờ vì mình chưa từng tham gia vào những việc phạm pháp. Sự việc sau đó, nhờ sự bình tĩnh của bà T và sự giúp đỡ của hàng xóm, lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời để bắt giữ đối tượng lừa đảo ngay tại chỗ. Vụ việc đã cho thấy mức độ liều lĩnh, manh động của loại tội phạm này.

- Ngày 19/10, Cơ quan CSĐT CATP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng Nguyễn Văn Hòa (SN 1960, ngụ tại TP Hải Phòng) để điều tra về hành vi giả danh “Thiếu tướng Công an” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Hay mới đây, ngày 01/12/2020, Cơ quan CSĐT CAQ. Cầu Giấy, TP.Hà Nội cho biết, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Minh Cường (SN 1972, ngụ xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội) về hành vi giả danh công an để lừa đảo chạy án, nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc vụ việc vào ngày 03/12/2020, Công an huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang cho biết đã bắt giữ nghi phạm Trần Trung Can (24 tuổi, ngụ xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) để điều tra về hành vi giả danh Cán bộ Công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…

Qua các vụ trên, có thể thấy rằng, với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CAND trong công tác bảo đảm ANTT, đặc biệt là xuất phát từ niềm tin của nhân dân đối với lực lượng CAND, một số đối tượng đã thực hiện hành vi giả danh Công an với nhiều hình thức, tính chất, phương thức, thủ đoạn khác nhau để thực hiện hành vi lừa đảo hoặc đơn giản chỉ vì để được “oai”, để được “thông cảm”. Chính vì vậy, để mọi người có thể nhận diện được các đối tượng giả danh công an và quy định của pháp luật trong xử lý đối với các đối tượng này, qua tổng hợp một số hướng dẫn từ các cơ quan chức năng và Chuyên gia Tâm lý học tội phạm, Fanpage Người Đồng Tháp xin được phép nêu lên một số cách thức nhận diện, nhận biết đối tượng giả danh công an và quy định của pháp luật đối với hành vi này, như sau:

I. Nhận diện các đối tượng giả danh Công an

1. Đặc điểm thủ đoạn giả danh Công an

- Đối tượng giả danh Công an thường là người từng công tác trong ngành công an hoặc có quan hệ thân thiết với một số cán bộ, chiến sỹ Công an, có hiểu biết nhất định về một lĩnh vực công tác nào đó của lực lượng Công an.

- Mục đích giả danh Công an của các đối tượng rất đa dạng, có thể chỉ vì muốn thể hiện, muốn được người khác nể trọng hơn, “oai” hơn, để được cán bộ, chiến sỹ Công an đang làm nhiệm vụ “thông cảm” hoặc nghiêm trọng hơn là lừa đảo chiếm đoạt “tình”, tài sản của nạn nhân.

- Phương thức, thủ đoạn giả danh Công an rất đa dạng, từ đơn giản đến phức tạp, thường là các phương thức thủ đoạn sau:

+ Sử dụng quân trang, công cụ hỗ trợ, bảng hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, giấy tờ giả danh Công an.

Một số người có người thân làm trong ngành Công an thường xin, nhờ mua hoặc mua ngoài thị trường chợ đen, trên mạng xã hội (hình thức này đang ngày càng phổ biến, vào facebook các bạn không khó để tìm các trang mạng xã hội rao bán quân trang của lực lượng vũ trang kể cả quân đội và công an) các loại quân trang, công cụ hỗ trợ của lực lượng CAND để sử dụng như: giày, tất, thắt lưng, mũ, còng, khóa còng,… Thực ra, đây là thủ đoạn rất sơ đẳng và rất khó đánh lừa được cán bộ, chiến sỹ Công an, nhiều trường hợp đã bị xử lý nghiêm, tuy nhiên, nhiều người dân do chưa biết cách nhận diện và khi thấy đối tượng mặc sắc phục CAND nên vẫn bị các đối tượng lừa.

Nghiêm trọng hơn, một số đối tượng làm giả hoặc nhờ làm giả thẻ ngành, công lệnh của lực lượng Công an để thể hiện cho “oai” hoặc thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như đã nêu ở trên.

+ Cố tình để “lộ” thông tin về lĩnh vực công tác Công an nhằm ám thị cho người khác biết mình là Công an.

Một số đối tượng tuy có hiểu biết rất hạn chế về lực lượng CAND nhưng luôn tự nhận mình là cán bộ, chiến sỹ Công an, ám thị cho người khác biết mình là Công an. Chẳng hạn, trước đây, một người tham gia chương trình “Bạn muốn hẹn hò” của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh HTV7, khi được MC Quyền Linh hỏi về nghề nghiệp đã trả lời rất vô tư “Em công tác ở Phòng Công an TP. Bến Tre”. Nếu là người trong ngành Công an sẽ nhận ra ngay đây là thông tin giả tạo nhưng người dân nếu không có sự hiểu biết nhất định về lực lượng Công an sẽ rất khó nhận ra. Vì vậy, bạn gái kết bạn với người chơi này liên tiếp bị lừa và nghĩ rằng anh này là Công an thật vì những thông tin đại loại như: “Anh đang trực”, “Anh đang tham gia chuyên án”… Và vụ việc chỉ được làm rõ khi Công an tỉnh Bến Tre tổ chức thẩm tra, xác minh về vụ việc (theo admin biết thì ngành Công an đến nay chưa cho phép cán bộ, chiến sỹ tham gia chương trình này).

Số đối tượng khác, do có sự hiểu biết nhất định về ngành Công an vì đã từng công tác hoặc có người thân công tác trong ngành Công an nên có thể “tiết lộ” thông tin logic hơn, dễ chiếm được niềm tin của người khác hơn như: gọi điện cho bạn là người trong ngành Công an nói chuyện qua loa, lấp liếm; chụp hình chung với người là cán bộ, chiến sỹ Công an tỏ vẻ thân thiết; kể về một người hoặc một số người công tác trong ngành Công an để thể hiện sự hiểu biết, có quan hệ; thường xuyên sử dụng các thuật ngữ nghiệp vụ của ngành Công an; cố tỏ vẻ bí mật, nguy hiểm…

2. Một số cách thức nhận diện đối tượng giả danh Công an

Để phát hiện hành vi giả danh Công an, mọi người cần nhận biết các thủ đoạn giả danh Công an và vận dụng một số cách nhận biết như sau:

- Quan sát: 

Đây là cách đơn giản nhất để phát hiện các đối tượng giả danh Công an. Khi tiếp xúc với người có sử dụng trang phục (thường không đồng bộ, không đúng qui định về Điều lệnh Công an nhân dân, cấp hàm, cấp hiệu, bảng tên thiếu đồng bộ, có khi là mẫu cũ, không còn được lực lượng Công an sử dụng), công cụ hỗ trợ, bảng hiệu, giấy tờ của ngành Công an… cần chú ý quan sát thái độ của họ.

Thông thường, cán bộ, chiến sỹ CAND (trừ lực lượng bắt buộc mặc quân phục khi làm nhiệm vụ) khi làm nhiệm vụ hoặc sinh hoạt thường ngày rất hiếm khi để lộ thân phận và cũng không cần thiết cố tình cho người khác biết mình là Công an, đơn giản vì họ là Công an thật nên không cần giả danh. Vì vậy, khi một người nào đó sử dụng quân trang, công cụ hỗ trợ, giấy tờ của ngành Công an… không đồng bộ, trong trường hợp không cần thiết đã là rất đáng nghi, đặc biệt khi họ cố tình để lộ ý định cho biết mình là Công an càng đáng nghi hơn.

Trong trường hợp này, chỉ cần quan sát thái độ, cách thể hiện, tư thế tác phong có thể phân biệt được họ là Công an thật hay giả. Đối tượng giả danh Công an luôn cố tình để lộ một phần trang phục, khoe công cụ hỗ trợ, cố tình “nhá” giấy tờ, thẻ ngành Công an cho người khác thấy. Công an thật không ai làm vậy.

Với những trường hợp này, nếu nhận thấy họ chỉ muốn thể hiện, khoe khoang, chưa có ý định lừa đảo rõ ràng thì cần phải cảnh giác hoặc nếu có cơ sở chắc chắn họ giả danh Công an có thể cảnh báo họ để vạch mặt, buộc họ chấm dứt hành vi giả danh Công an hoặc báo với cơ quan công an nơi gần nhất yêu cầu làm rõ nếu nhận thấy họ có dấu hiệu sử dụng công cụ hỗ trợ, giấy tờ của ngành Công an trái phép.

Nếu chưa có cơ sở xác định họ giả danh Công an, còn nghi ngờ, cần kết hợp với các cách thức khác để kiểm tra. Tuy nhiên, cần chú ý đề cao cảnh giác, chỉ nghe họ nói, không làm theo họ.

- Gợi mở để đối tượng nói thật nhiều về lĩnh vực công tác Công an: 

Theo qui định của ngành Công an, cán bộ, chiến sỹ không được phép tiết lộ bí mật công tác, tất cả đều được huấn luyện ý thức bảo mật. Do đó, nếu nghi ngờ một người giả danh Công an cần phải khéo léo gợi mở để họ nói về lĩnh vực công tác của mình. Nếu họ cảnh giác, hạn chế nói về lĩnh vực công tác có khả năng họ là Công an thật.

Ngược lại, các đối tượng giả danh Công an thường phạm phải sai lầm sơ đẳng xuất phát từ mục đích muốn chứng minh mình là Công an nên thường ba hoa kể về lĩnh vực công tác Công an, có đối tượng tỏ ra bí mật, nghiêm trọng nhưng vẫn tiếp tục “tiết lộ”. Trong trường hợp này, khả năng rất lớn đối tượng là người giả danh Công an.

Vì vậy, cần phải khéo léo gợi mở, tỏ vẻ ngưỡng mộ, khâm phục, khen ngợi, tin tưởng… để đối tượng nói càng nhiều càng tốt, càng nói nhiều đối tượng càng bộc lộ sơ hở. Có thể hỏi đối tượng những thông tin cơ bản như: Trước đây học trường nào, ở đâu? Điều kiện tuyển dụng vào ngành công an thế nào? Đơn vị hiện tại ở đâu, lãnh đạo là ai? Chức vụ, nhiệm vụ cụ thể là gì?...

Nếu nghi ngờ, có thể tạo lý do hợp lý để chụp ảnh đối tượng, ghi âm lời nói của đối tượng để làm bằng chứng đối chiếu hoặc tố giác với cơ quan Công an.

Sau khi tiếp nhận thông tin từ đối tượng, tốt nhất không nên làm theo yêu cầu của đối tượng, khéo léo từ chối, đồng thời phân tích, đánh giá thông tin để xác định đối tượng có phải là người giả danh Công an hay không.

- Phân tích, tổng hợp, đánh giá: 

Cho dù đối tượng là người từng công tác trong ngành Công an hoặc có hiểu biết nhất định về ngành Công an chắc chắn khi đối tượng nói nhiều về lĩnh vực công tác Công an sẽ bộc lộ mâu thuẫn. Do đó, chỉ cần phân tích các thông tin cơ bản mà đối tượng đã nói, đã kể, rút ra những thông tin đúng, thông tin sai sẽ đánh giá được đối tượng nói thật hay nói dối, có phải là giả danh Công an hay không.

Ngay cả trường hợp, đa số thông tin là đúng cũng không nên tin, không làm theo vì rất có thể đối tượng là cán bộ, chiến sỹ Công an thật nhưng bị tha hóa, biến chất cố tình dùng uy tín của lực lượng Công an để đạt được mục đích riêng, thực hiện hành vi lừa đảo. Vì cán bộ, chiến sỹ Công an được đào tạo cơ bản, có phẩm chất tốt sẽ không cố chứng minh mình là Công an, tiết lộ bí mật công tác, không tạo niềm tin để lừa đảo.

Nếu không đủ khả năng đánh giá, có thể tổng hợp thông tin nhờ người thân am hiểu về lĩnh vực Công an, nên nhờ những người đang công tác trong ngành Công an phân tích đánh giá, không nên vội tin đối tượng, làm theo lời của đối tượng.

- Đối chiếu, kiểm tra: 

Trong trường hợp, đã đánh giá nhưng chưa đủ cơ sở xác định đối tượng là người giả danh Công an hay không cần thực hiện bước đối chiếu, kiểm tra. Từ việc phân tích tổng hợp thông tin do đối tượng cung cấp, kết quả quan sát, đánh giá, tư vấn của người thân trong ngành Công an… có thể dùng để đối chiếu, kiểm tra xác định đối tượng có hành vi giả danh Công an.

Có thể nhờ người thân hỏi trực tiếp đơn vị do đối tượng cung cấp xác định đối tượng công tác ở bộ phận đó hay không. Lưu ý cần cung cấp họ tên đầy đủ, cấp bậc, chức vụ, độ tuổi, đặc điểm nhân dạng, nếu có hình ảnh càng tốt… để đơn vị chủ quan thẩm tra xác minh.

Như vậy, để nhận biết đối tượng giả danh Công an, tránh bị các đối tượng này lừa đảo, người dân cần phải tìm hiểu những thủ đoạn phổ biến của loại đối tượng này, nâng cao cảnh giác, không vội tin đối tượng, vận dụng đồng bộ một số cách nhận biết, kiểm tra, đánh giá để xác định và có cách xử lý hiệu quả nhất.

II. MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT Về XỬ LÝ hành vi GIẢ DANH CÔNG AN

1. Về trách nhiệm hình sự:

Tại Điều 339 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định:

“Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Mặt khách quan của tội này được thể hiện qua các hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác nhằm làm cho người khác lầm tưởng là người phạm tội có chức vụ, cấp bậc thật để dễ dàng thực hiện hành vi trái pháp luật khác nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Quy phạm pháp luật trên là quy phạm pháp luật cấu thành hình thức, tức không cần xét đến hậu quả, chỉ cần có hành vi vi phạm là người này đã bị xử lý. Tuy nhiên, cần phải xét đầy đủ hành vi “giả mạo” có phải là phương tiện để “thực hiện hành vi trái pháp luật” hay không, bởi lẽ điều luật quy định 2 hành vi trên phải đi cùng với nhau thì mới được xem là hành vi vi phạm.

Nếu việc giả mạo chỉ là để ra oai, khoe khoang hoặc thỏa mãn ý muốn của bản thân thì chưa có căn cứ để xử lý theo tội này.

Như vậy, hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác mà không chiếm đoạt tài sản chỉ bị xử lý hình sự khi hành vi giả mạo đó dùng để thực hiện hành vi trái pháp luật khác.

Còn theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định như sau:

Người nào dùng những thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đến dưới 50 triệu hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp như đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, đã bị kết nhưng chưa được xóa án tích,…theo quy định tại khoản 1 Điều 174 thì bị người này sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc có thể người này sẽ bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Hơn thế nữa, nếu trong trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, có tổ chức, hay chiếm đoạt tài sản trên 50 triệu đến dưới 200 triệu,… theo khoản 2 Điều 174 thì bị phạt tù từ 02 – 07 năm.

Còn trường hợp chiếm đoạt tài sản trên 200 triệu đến 500 triệu,…theo khoản 3 Điều 174 thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu trở lên,…theo khoản 4 Điều 174 thì bị phạt tù từ 12 năm - 20 năm hoặc có thể là tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị cấm hành nghề, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm các công việc nhất định từ 01 năm- 05 năm hoặc có thể bị tịch thu một phần tài sản hoặc toàn bộ tài sản.

2. Về xử phạt vi phạm hành chính:

Trong trường hợp hành vi trên chưa có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, hành vi sử dụng trái pháp luật trang phục CAND sẽ bị xử phạt theo điều 19 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình:

“Điều 19. Vi phạm quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu.

...”

Hình thức xử phạt bổ sung cho hành vi này là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Như vậy dù không bị xử lý hình sự, mức phạt hành chính của hành vi này có thể lên đến 1,5 triệu đồng và tịch thu tang vật.

Ngoài ra, đối với hành vi mạo danh này còn có thể xử phạt hành chính hoặc cả hình sự về hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục Công an nhân dân.

Trên là một số kiến thức cơ bản để nhận biết đối tượng giả danh công an theo sự hiểu biết và tổng hợp kiến thức từ các cơ quan chức năng và chuyên gia thông tin cho mọi người cùng biết. Nếu thấy hay các bạn có thể chia sẻ cho người thân và bạn bè cùng biết, cảnh giác.

Đoàn Thanh niên Công an Tỉnh (KN)