Xuất bản thông tin

null TRUYỀN THÔNG VÀ VAI TRÒ TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH

Chi tiết bài viết Tin tức sự kiện Trang bìa

TRUYỀN THÔNG VÀ VAI TRÒ TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH

Ngay từ khi dịch COVID-19 mới bùng phát, chưa lan rộng trên thế giới, báo chí trong nước đã sớm chủ động vào cuộc một cách tích cực. Có thể nói, báo chí thực sự là một binh chủng quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch trong thời gian qua...

        Cho đến hôm nay, đa số người dân đã hiểu biết rất nhiều về dịch COVID-19 và những cách phòng tránh. Nhưng vẫn không tránh khỏi những thông tin sai lệch về đại dịch này, thông tin sai lệch đó gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, gây hoang mang dư luận và xã hôi.

Trên mặt trận phòng chống đại dịch và vai trò của mình, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền và chống thông tin sai lệch, tạo niềm tin cho nhân dân về việc đất nước ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ vượt qua đại dịch. Truyền thông đã và đang làm tốt những điều cần thiết:

Chống tin giả, ổn định tâm lý cộng đồng

Tin đồn ngày nay còn được chắp cánh bởi công nghệ Internet nên tác hại lớn hơn. Nỗi sợ - một bản năng sinh tồn khi có những vấn đề liên quan đến sức khỏe, tính mạng - như một thứ virus tấn công vào môi trường truyền thông. Do đó, nhiều người chưa đủ bản lĩnh về thông tin đã vô tình tiếp tay cho tin giả để gieo rắc những “luồng gió độc”.

Truyền thông dựa trên nỗi sợ của cộng đồng là “truyền thông bẩn”, nhưng kiểu làm truyền thông này rất khó ngăn chặn. Những thông tin giả về dịch COVID-19 tràn lan trên thế giới và trên các mạng xã hội Việt Nam cũng đáng lo ngại như virus SARS-CoV-2.

Tin tức giả được thêu dệt một cách lệch lạc, những thuyết âm mưu xoay quanh đại dịch và cả những tin đồn liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan đơn vị nhà nước… đã gây ra nhiều tác động bất ổn.

Chính trong bối cảnh ấy, báo chí đã nhanh chóng tự ý thức vai trò, sứ mệnh của mình trong dòng chảy thông tin: Cần làm cho người dân nhận thức báo chí là kênh chính thống để lắng nghe, quan tâm và tin tưởng.

Báo chí đã góp phần vạch trần tin giả, cung cấp nhanh thông tin đầy đủ cho người dân về tình hình dịch bệnh, ổn định đời sống và tâm lý người dân.

Cả hệ thống cùng làm truyền thông

Xin được nói thêm rằng, truyền thông chống dịch COVID-19 không chỉ có báo chí. Hơn một năm qua, thuê bao điện thoại di động đều thường xuyên nhận được các tin nhắn từ Bộ Y tế, Bộ Thông tin - Truyền thông mang nội dung giải đáp những câu hỏi cơ bản, cung cấp những kiến thức cần thiết nhất về dịch bệnh…

Khó mà kể hết những hình thức truyền thông cực kỳ phong phú: băng rôn, pa-nô, bảng điện tử, tài liệu in ấn, tờ rơi, áp phích, xe lưu động…

Đồng hành cùng với báo chí còn có các thành viên mạng xã hội, từ Facebook, YouTube, Zalo, Viber … và các mạng xã hội trong nước đều vào cuộc trong nỗ lực truyền thông phòng, chống dịch. Fanpage do các cơ quan, ban ngành chức năng lập ra thu hút hàng chục ngàn lượt theo dõi và chia sẻ.

Có thể nói, chính báo chí chính thống mới thực sự là người lính xung kích trên mặt trận truyền thông này. Những thước phim, những bức ảnh khắc họa hình ảnh các chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm quên mình vì người bệnh ở tâm dịch đã làm lay động hàng triệu trái tim.

Thông tin từ báo chí góp phần giúp người dân biết hành xử đúng đắn, góp phần vào công tác phòng, chống dịch, kiểm soát tốt tình hình, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Các báo có chuyên trang, các đài phát thanh – truyền hình có chuyên mục trực tiếp tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19.

Hơn hàng trăm ngày đã qua, kể từ khi ca bệnh số 1 xuất hiện ở Việt Nam, không ngày nào thông tin phòng, chống dịch lại không xuất hiện trên báo chí Việt Nam ở các loại hình, các hình thức thể loại.

Trong thời điểm hiện tại, báo chí đã và sát cánh với ngành y tế trong hoạt động truyền thông, như một binh chủng đặc biệt trên chiến tuyến chống dịch.

Khó mà kể hết những thay đổi trong tác nghiệp báo chí thời COVID-19, nhưng vượt lên những cản lực, báo chí, truyền thông đã góp phần hiện thực hóa những giá trị: Xây dựng niềm tin cho cả xã hội vào sự điều hành của Đảng, Chính phủ và hệ thống y tế Việt Nam trong những tháng ngày thần tốc “chống dịch như chống giặc”./.

THANH LÂM

ĐOÀN THANH NIÊN QUÂN SỰ TỈNH