Xuất bản thông tin

null ĐTN Quân sự tỉnh: Trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Tin tức sự kiện Trang bìa

ĐTN Quân sự tỉnh: Trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội

Ngày 19 tháng 11 năm 1997, Việt Nam được hòa vào mạng Internet toàn cầu. Đến nay, sau hơn 22 năm phát triển, Việt Nam đã đứng thứ 12 về lượng người dùng Internet trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, đối với người dân, Internet và mạng xã hội (MXH) đã trở thành công cụ vô cùng quen thuộc, là “một phần tất yếu” trong cuộc sống, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước. Thế nhưng, trên một vài trang mạng vẫn xuất hiện những luận điệu mang tính xuyên tạc cho rằng: Việt Nam vi phạm tự do internet, tự do MXH. Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán chủ trương, chính sách tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do tiếp cận thông tin, tự do internet nói chung và MXH nói riêng. Điều này đã được hiến định trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 và được cụ thể hóa trong nhiều luật, nghị định cùng nhiều văn bản pháp luật khác và được thực hiện một cách đầy đủ trong thời gian qua.

Trên các nền tảng số như báo điện tử, các trang tin, thông qua MXH (Facebook, Zalo, YouTube, Viber, Twitter, Instagram...), người dân Việt Nam chúng ta có thể tự do chia sẻ thông tin, hình ảnh, clip, bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân của mình về mọi vấn đề của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, từ Trung ương đến địa phương, ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức sử dụng internet, MXH để làm việc, giải quyết các thủ tục hành chính, giữ mối liên hệ với người dân, nắm bắt và giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân…

Ảnh minh họa: Các trang mạng xã hội

Chúng ta cần nhận thức một cách đầy đủ rằng: Hệ thống pháp luật của Việt Nam về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin của công dân là cơ bản đầy đủ, đồng bộ và tương thích với luật quốc tế về quyền con người. Đặc biệt, Luật An ninh mạng (ANM), sau một năm có hiệu lực đã dần đi vào cuộc sống, mang lại những hiệu quả rất rõ nét, thiết thực trong đời sống xã hội. Trước, trong và sau khi luật ra đời, không ít luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động cho rằng việc Việt Nam ban hành Luật ANM là “vi phạm quyền con người, bóp nghẹt tự do dân chủ, tự do ngôn luận...”. Thực tế, sau bốn năm thực thi Luật ANM hoàn toàn không vi phạm quyền con người, không bóp nghẹt tự do ngôn luận, mà ngược lại đã tạo nên nền tảng pháp lý vững chắc, phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân... Chúng ta vẫn được bày tỏ chính kiến trên không gian mạng, tự do ngôn luận hoàn toàn không bị hạn chế nếu chấp hành các quy định của pháp luật. Không những vậy Luật ANM đã tạo nên môi trường lành mạnh, an toàn. Nhiều thông tin, bài viết, video clip ảnh hưởng tiêu cực đến chuẩn mực, đạo đức xã hội đã được ngăn chặn, xử lý; đời tư cá nhân được bảo vệ; hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng được bảo đảm; các đối tượng tung tin sai lệch, bịa đặt gây hoang mang dư luận đã bị xử lý.

Tuy nhiên nhận thức, quan điểm về internet, MXH và tham gia MXH của một số cá nhân vẫn chưa đúng, chưa đầy đủ, nghĩ rằng tự do internet, tự do MXH là vô hạn, không thấy rõ sự gắn bó giữa quyền lợi với nghĩa vụ và trách nhiệm dễ dẫn đến sẽ có những hành vi vi phạm pháp từ MXH. Tình trạng tin giả, lừa đảo, xuyên tạc, bịa đặt qua MXH vẫn thường xuyên xảy ra. Chúng ta thấy dư luận thường phản ứng rất mạnh mẽ trước những vấn đề thuộc giá trị đạo đức truyền thống hoặc các vấn đề nóng, vấn đề có tính thời sự cao trong đời sống xã hội. Lợi dụng vấn đề này, nhiều cá nhân, tổ chức đã tạo ra tin giả, tin lừa đảo, tin bóp méo, xuyên tạc sự thật.

Tin giả, tin xuyên tạc được lan truyền cũng một phần do những người tiếp cận thông tin, những người tham gia MXH bởi nhận thức còn hạn chế, kiến thức và kinh nghiệm chưa đủ nên không biết thông tin mình tiếp cận là đúng hay sai, tác động, ảnh hưởng đến người khác, đến xã hội như thế nào nên đã đăng tải, chia sẻ, bình luận một cách tùy tiện, vô trách nhiệm... Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch, phản động tạo ra rất nhiều thông tin giả, thông tin xấu độc nhằm mục đích tuyên truyền xuyên tạc, kích động, làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang trong dư luận; qua đó, tạo sự bất ổn về an ninh trật tự để chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Để đối phó với nạn tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng, chúng ta cần tuyên truyền, giáo dục để mọi người thấy rõ tính nguy hại của vấn đề; phải tập trung nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mọi người, nhất là người tham gia MXH; họ phải tỉnh táo trong tiếp cận thông tin để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, và phải tích cực đấu tranh với vấn nạn tin giả.

Một sự thật là tin giả lan truyền nhanh nhất bởi những độc giả thiếu hiểu biết nhưng lại quá nhẹ dạ, cả tin… Chính vì vậy, mỗi người cần đề cao trách nhiệm đối với các nội dung mình đăng tải, chia sẻ. Mỗi chúng ta phải giữ cho mình tác phong thận trọng và luôn mang tâm thế của người hiểu biết, tỉnh táo khi tham gia MXH.

Đoàn Thanh niên Quân sự tỉnh (TCKT)