Xuất bản thông tin

null ĐTN BĐBP Tỉnh: Phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Tin tức sự kiện Trang bìa

ĐTN BĐBP Tỉnh: Phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Ngày 18-01-1967, nói chuyện với lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được... Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong".

Tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng vì Nhân dân, vì con người. Dựa vào dân chính là nền tảng của công cuộc đổi mới và phát triển mà Đảng Cộng sản Việt Nam, dựa vào dân để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

“Dân là gốc”, tức dân là nền tảng cho mọi thành tựu của một quốc gia, dân tộc. Lịch sử của đất nước cho thấy, từ thời phong kiến, triều đại nào biết thực thi chính sách an dân, lấy dân làm gốc ắt quy tụ được lòng dân, đất nước hưng thịnh, thái bình.

Đi ngược lại với điều này, đất nước rơi vào loạn lạc, bị các thế lực ngoại bang xâm lăng bờ cõi…

Ảnh minh họa

Sức mạnh từ nội lực nhân dân

Bộ luật Hình thư đầu tiên của nước ta dưới triều nhà Lý công bố năm 1042 đã xác định: “Chăm lo đến đời sống người dân trăm họ, chỉnh đốn pháp luật sao cho giảm bớt nỗi khổ của dân, xóa bớt bất công trong thiên hạ”. Sự ra đời của Bộ luật Hình thư đầu tiên đã ghi nhận những thay đổi trong nhận thức của triều Lý so với các triều đại trước đó về tầm quan trọng của lòng dân đối với vận mệnh của một quốc gia. Những quyết sách quan trọng của triều Lý về chính trị, kinh tế, giáo dục, luật pháp cũng rất chú trọng chăm lo đến cuộc sống người dân. Nền tảng vững chắc ấy đã giúp triều Lý phát triển hưng thịnh trong hơn 200 năm.

Kế thừa những di sản triều Lý, triều đại nhà Trần trong hoàn cảnh đất nước bị giặc xâm lăng, bài học “lấy dân làm gốc” đã được vua tôi nhà Trần thấm nhuần, thể hiện qua Hội nghị Diên Hồng năm 1284, tập hợp được sức mạnh, thống nhất được ý chí của quân dân, nhờ đó đã ba lần đánh tan giặc Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới thời đó. Một câu chuyện minh chứng cho chân lý “lấy dân làm gốc” là Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn từng dốc lòng tâu vua Trần Anh Tông về kế sách giữ nước: “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”.

Lịch sử đã minh chứng, có dân là có tất cả, không biết dựa vào dân sẽ phải chịu thất bại. Nhà Hồ lâm vào cảnh nước mất, nhà tan, thất bại trước giặc Minh hung tàn cũng bởi không thấu triệt chân lý này. Đến thời Hậu Lê, tư tưởng “lấy dân làm gốc” được phát huy, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, quân dân nhà Lê đã đánh bại giặc Minh, khôi phục xã tắc. Nguyễn Trãi, khi thay mặt Lê Lợi viết “Bình Ngô đại cáo” đã nêu rõ: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân". Bản Tuyên ngôn độc lập của triều Lê đã khẳng định tư tưởng vì dân và an dân. Nhà chính trị, quân sự kiệt xuất Nguyễn Trãi cũng khẳng định: “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, thể hiện quan điểm quốc gia muốn tồn tại dài lâu và vững mạnh đều phải dựa vào dân, đặt mục đích yên dân lên hàng đầu, bởi dân có yên thì nước mới thịnh.

Không chỉ là tư tưởng xuyên suốt qua các triều đại phong kiến, trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và bảo vệ đất nước của dân tộc thế kỷ XX, sức mạnh của quần chúng đã được minh chứng ngay từ những năm 1930-1940 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ-Tĩnh của công nhân, nông dân Nghệ An và Hà Tĩnh.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hàng triệu người dân đang sống trong cảnh lầm than nô lệ đã được khích lệ, gắn kết với nhau để nhất tề đứng lên. Tinh thần ấy đã làm nên thành công cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ thực dân - phong kiến trên đất nước ta, dẫn đến sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc, kỷ nguyên độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Bản Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử có đoạn: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đây chính là khát vọng cháy bỏng, là mục tiêu sống của mỗi con người. Bài học nằm lòng “lấy dân làm gốc” của cha ông đến thời đại Hồ Chí Minh tiếp tục là ngọn đuốc soi đường.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn đặc biệt coi trọng sức mạnh của nhân dân. Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”, “Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”, “Dân là gốc của một nước, nước lấy dân làm gốc”, “Gốc có vững, cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.

Đảng Cộng Sản Việt Nam là của giai cấp công nhân và nhân dân lao động

Đảng Cộng Sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, mang bản chất của giai cấp công nhân, tính dân tộc và tính dân dân sâu sắc. Điều đó được thể hiện ở mục tiêu, lý tưởng của đảng là lãnh đạo nhân dân xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, tiến tới chủ nghĩa cộng sản; lấy chủ nghĩa Mác Lenin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động. Đảng thường xuyên liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, phấn đầu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, công bằng dân chủ văn minh”. Có thể thấy trong mọi tư tưởng, đường lối chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lấy nhân dân làm trung tâm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lập trường yêu nước đã ra đi tìm đường cứu nước, người đã rút ra kết luận rằng, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng quần chúng chỉ thực sự là người làm chủ cách mạng khi được tuyên truyền giác ngộ bởi mục tiêu lí tưởng đúng đắn được tổ chức thành một khối đoàn kết thống nhất.

Với Hồ Chí Minh, nhân dân là “quốc dân” “đồng bào” là người trong cùng một nước, là con Lạc, cháu Hồng. Dù ai đó là thân hào, là người trong hoàng tộc, quốc thích, là tri thức tư sản, địa chủ, dù là người ở tầng lớp nào, nhưng có lòng yêu nước, thương nòi, có chung mối thù với thực dân phong kiến với bè lũ tay sai thì đều là thành viên của khối đại đoàn kết dân tộc. Tư tưởng của Hồ Chí Minh đã giúp quy tụ được lực lượng của cả dân tộc làm mối quan hệ của Đảng với nhân dân ngày càng trở nên gần gũi gắn bó máu thịt.

Quan niệm đảng không những là Đảng của giai cấp công nhân mà còn là Đảng của nhân dân lao động và của cả toàn dân tộc có ý nghĩa to lớn với cách mạng Việt Nam. Đảng không chỉ đấu tranh vì lợi ích của giai cấp công nhân mà còn đấu tranh cho quyền lợi của tập thể, của cả dân tộc. Đảng đại diện cho lợi ích của toàn dân tộc nên nhân dân Việt Nam coi Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của chính mình. Trong thành phần của mình, Đảng không chỉ kết nạp giai cấp công nhân mà còn kết nạp cả những thành viên ưu tú thuộc giai cấp nông dân trí thức và các thành phần khác thông qua quá trình giác ngộ, rèn luyện và tự nguyện đứng vào hàng ngũ Đảng. Đảng cũng đã khẳng định rằng, để đảm bảo và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, Đảng luôn luôn gắn bó mật thiết với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tọc trong tất cả các thời kì của cách mạng. Trong quá trình rèn luyện Đảng, Hồ Chí Minh luôn chú trọng tính thống nhất giữa yếu tố giai cấp và yếu tố dân tộc. Sức mạnh của Đảng không chỉ bắt nguồn từ giai cấp công nhân mà còn bắt nguồn từ các tầng lớp nhân dân lao động khác.

Hồ Chí minh đã chỉ rõ: “Đảng ra đời là vì lợi ích của nhân dân, do dân tổ chức lên, Một đảng như vậy phải trở lại phục vụ cho nhân dân, cho Tổ quốc. Người yêu cầu Đảng muốn lãnh đạo được nhân dân thì phải hiểu rõ dân, phải học từ dân, muốn nâng đỡ dân bởi “Có biết làm học trò của dân, mới làm được thầy dân học”. Rất nhiều lần người đã nói, Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Hai tư cách người lãnh đạo, người đấy tớ luôn song song và thống nhất với nhau trong mọi hoạt động của Đảng.

Ấm no, hạnh phúc của nhân dân là thước đo giá trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, không gắn bó với nhân dân và không thật sự chăm lo cho ấm no, hạnh phúc của nhân dân thì Đảng không còn lý do để tồn tại. Đó là sự nhất quán trong tư tưởng và hành động của Đảng ta, trong suy nghĩ và việc làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đó là cội nguồn làm nên sức sống, sự trường tồn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó cũng là cội nguồn sâu xa để ý Đảng - lòng dân luôn hòa quyện và trở thành sức mạnh vô địch đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn nhằm chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân.

Tại sao cần dựa vào dân để bảo vệ nền tảng tư tưởng

Tư tưởng dựa vào dân để tập hợp lực lượng kháng chiến, tạo nên sức mạnh giữ nước, là một trong những nét tiêu biểu của triết lý lấy dân làm gốc trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Trong tất cả các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước, về tương quan lực lượng luôn nghiêng về phía đối phương nên ta thường phải “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn”. Để có thể đương đầu và chiến thắng quân xâm lược lớn mạnh hơn mình nhiều lần, từ rất sớm người Việt đã nhận thức được rằng, không thể chỉ dựa vào lực lượng quân đội thường trực mà phải huy động được sức mạnh của toàn dân tộc để đánh giặc. Thực tế cho thấy, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nhất là trong quá trình xây dựng quốc gia phong kiến độc lập, triều đại phong kiến nào biết dựa vào sức mạnh của nhân dân thì sẽ giành thắng lợi trong đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc và mở mang bờ cõi.

Trước bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến đổi phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch với những luận điệu sai trái thù địch đã và đang trêu rao những luận điệu sai trái thù địch. Về thủ đoạn, các đối tượng sử dụng mạng lưới thông tin tuyên truyền, chủ yếu là mạng xã hội và một số diễn đàn, chương trình nghệ thuật để truyền bá, xuyên tạc, bóp méo quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam hòng làm rạn nứt khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhưng dù bằng chiêu thức gì chăng nữa, các thế lực thù địch phản động cũng không thể chia rẽ được tình đoàn kết đã trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Để ngăn chặn những luận điệu xảo trá xuyên tạc đó, cần tăng cường sự tham gia của người dân trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và nâng cao nhân thức nhân dân về bản chất, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phải tập trung nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý chí quyết tâm cao và niềm tin sắt đá vào độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhờ đó, sẽ giúp nhân dân tăng sức đề kháng trước các luận điệu xuyên tạc của kẻ thù; đồng thời, chủ động đoàn kết chặt chẽ trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”.

Ngày 28/11/1984, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa V) đã ban hành Chỉ thị số 53-CT/TW “Về tăng cường công tác quần chúng của Đảng”, trong đó nhấn mạnh: “Phải thực sự tôn trọng quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, thực hiện tốt khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong sản xuất, phân phối cũng như trong tất cả các công tác quan hệ trực tiếp đến quần chúng”. Có thể nói, lần đầu tiên, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được Đảng ta chính thức đề ra, trở thành một chủ trương lớn, một phương châm hành động cụ thể.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, căn cứ vào tình hình thực tiễn và quan điểm mở rộng dân chủ, Đảng ta đã bổ sung 02 khâu trong phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thành “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Sự phát triển phương châm tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đánh dấu sự trưởng thành của Đảng ta trong thời đại mới, phát huy được tối đa nguồn lực con người, sức mạnh của nhân dân trong thời kì mới, từ đó dựa vào nhân dân để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái thù địch trong tình hình mới.

Thực tiễn đã chứng minh rằng, bất kì một quốc gia nào, không phát huy được sức mạnh của nhân dân đều dẫn đến kết cục suy vong, trong lịch sử phong kiến Việt Nam, Nhà Hồ là một quốc gia với nền quân sự mạnh, có thành cao hào sâu, có đại pháo nhưng kết cục mất nước khi ngoại bang xâm lược. Sở dĩ như vậy là vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do “lòng dân không theo” bởi chế độ lao dịch nặng nề làm cho nhân dân bất an, sợ hãi. Nhà Hồ tiến hành đồng thời cải cách về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và quân sự với mục đích bảo vệ vương triều, phục vụ chiến tranh là chính, chứ không phải vì đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Nhận ra những bài học xương máu trong công cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước, Đảng ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, hai cường quốc quân sự lớn trên thế giới đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân toàn quân, trường kì kháng chiến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã vùng lên đánh đổ áp bức bóc lột của các nước đế quốc, giành lấy độc lập cho Tổ quốc.

Tổng kết 30 năm đổi mới, Đảng nhấn mạnh bài học “đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong mọi hoàn cảnh xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Thực tiễn cách mạng nước ta cũng đã chứng minh, tin vào dân, dựa vào dân, phát huy mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân là cội nguồn bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng và thành công của sự nghiệp cách mạng nước nhà./.

            Đoàn Thanh niên BĐBP Tỉnh (TCKT)