Xuất bản thông tin

null ĐTN BĐBP Tỉnh: Những giải pháp cơ bản trong bảo vệ, vận dụng và phát triển Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Tin tức sự kiện Trang bìa

ĐTN BĐBP Tỉnh: Những giải pháp cơ bản trong bảo vệ, vận dụng và phát triển Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay

Từ khi Bộ Chính trị khóa XII đề ra Chỉ thị 05-CT/TW “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đào đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các thế lực thù địch, phản động ngày càng trắng trợn xuyên tạc, bóp méo, bịa đặt về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ra sức chống phá việc toàn Đảng, toàn dân ta học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người. Bài viết nhiệm vụ, chủ trương và giải pháp cơ bản trong bảo vệ, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay. Qua đó chỉ rõ nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời nắm được âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản bác kịp thời các quan điểm sai trái góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.

 

Ảnh minh họa

Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của mình. Từ khi thành lập (năm 1930) cho đến nay, trải qua chặng đường 93 năm, dù phải đối diện trước muôn vàn khó khăn do sự chống phá của các thế lực thù địch (có những thời điểm diễn ra hết sức quyết liệt mang tính chất sống còn), nhưng nhờ kiên trì, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi to lớn, mang ý nghĩa lịch sử trọng đại. Trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hiện nay, thế và lực của chúng ta đang lớn mạnh hơn lúc nào hết, song cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lại phải đương đầu với những khó khăn thách thức mới.

* Bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vừa là nhiệm vụ cơ bản lâu dài vừa là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

Chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ thống quan điểm và học thuyết khoa học về con đường giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng nhân dân lao động khỏi chế độ áp bức bóc lột bất công, tiến tới thực hiện sự nghiệp giải phóng con người. Học thuyết này được sáng lập bởi C.Mác, Ph. Ăngghen, sau đó được V.I Lênin phân tích đúng bản chất, phê phán chủ nghĩa tư bản sâu sắc nhất, triệt để nhất.

Trong quá trình tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Người khẳng định: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản “bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Mác-Lênin [1]. Lãnh tụ Hồ Chí Minh phê phán trực tiếp và đúng bản chất chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc cũng như các lực lượng thù địch với dân tộc Việt Nam, trên cơ sở đó, Người đề ra đường lối đấu tranh độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo cho cách mạng Việt Nam. Do vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại... Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta.

Cũng vì phê phán và đấu tranh tích cực chống chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, nên ngay từ khi mới ra đời cho đến nay, chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã bị các thế lực thù địch và phản động không ngừng xuyên tạc và chống phá quyết liệt. Đặc biệt, vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới tan rã, các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam, trọng tâm là chống phá nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam; muốn phủ định, loại bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi đời sống tinh thần của xã hội và lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.

Những năm gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ra sức chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc. Những bài nói, bài viết, tài liệu, sách, báo có quan điểm sai trái, xuyên tạc chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin, từ nhiều kênh khác nhau “đẩy” vào Việt Nam. Qua nghiên cứu, tổng hợp có thể khái quát, nhận diện các luận điểm sai trái, thù địch trên một số nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, cố tình xuyên tạc, hạ thấp vai trò của chủ nghĩa Mác-Lênin. Họ tuyên truyền rằng tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen cách ngày nay 150 năm, của V.I.Lênin cách ngày nay 100 năm, thời gian đã quá xa, nên những tư tưởng này không còn phù hợp để lý giải một xã hội phát triển như hiện nay, khi nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hợp tác quốc tế rộng mở tạo nên một “thế giới phẳng”, khoa học - công nghệ giữ vai trò quyết định đến sự vận động, phát triển của xã hội loài người. Hơn nữa, họ còn cho rằng chủ nghĩa Mác-Lênin được xây dựng xuất phát từ bối cảnh lịch sử và điều kiện cụ thể của xã hội phương Tây, vì vậy, không thể hiểu và không thể áp dụng để giải quyết vấn đề của xã hội phương Đông, đặc biệt là của Việt Nam. Theo đó, họ thường xuyên rêu rao các luận đề: Học thuyết Mác là sản phẩm của giữa thế kỷ XIX, do vậy đem đặt nó trong bối cảnh thế kỷ XXI nếu không lạc hậu, thì cũng chẳng thể là khoa học; chủ nghĩa Mác-Lênin là ngoại lai, bắt nguồn từ phương Tây nên không còn phù hợp với Việt Nam. Những lập luận này sai về cả logic lẫn lịch sử. Bởi tri thức khoa học xã hội, khoa học nhân văn mang đặc trưng tích luỹ chứ không mang đặc trưng thay thế như kỹ thuật, công nghệ, vì thế mà có những học thuyết tồn tại hàng nghìn năm qua vẫn còn giá trị. Trong thời đại cách mạng khoa học, công nghệ và toàn cầu hóa hiện nay, chủ nghĩa Mác-Lênin không những không lỗi thời, lạc hậu, mà đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò là kim chỉ nam cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân các dân tộc trên thế giới.

Thứ hai, tập trung tấn công tư tưởng Hồ Chí Minh với hai thái cực khác nhau: Một là, tìm cách phủ nhận, hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh, cho rằng Hồ Chí Minh chỉ nhắc lại những luận điểm tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin và các nhà tư tưởng vĩ đại khác chứ không có tư tưởng của riêng mình; hoặc tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là “tư biện, lý thuyết, giáo điều”, là sự sao chép máy móc chủ nghĩa Mác-Lênin, không phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Hai là, đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin. Họ cho rằng, hiện nay chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời, không còn phù hợp với sự phát triển của lịch sử, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là phù hợp với dân tộc Việt Nam; chủ nghĩa Mác-Lênin là chủ nghĩa chia rẽ và cực đoan, thiên về đấu tranh giai cấp, đối lập với tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng đề cao đoàn kết và thống nhất, vì vậy, chỉ cần dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh để thay thế chủ nghĩa Mác-Lênin. Thực chất của luận điệu này là nhằm chia rẽ chủ nghĩa Mác-Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh, cô lập và phá vỡ từng bộ phận cấu thành trong nền tảng tư tưởng của Đảng, gây ra sự xáo trộn về ý thức hệ trong các tầng lớp nhân dân.

Thứ ba, tiếp tục tuyên truyền luận thuyết “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, phủ nhận tính hợp pháp và tính chính đáng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các thế lực thù địch, phản động cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đã hết vai trò lịch sử. Đảng cầm quyền là không chính đáng, vì không được bầu lên, nên ở Việt Nam không có dân chủ và cho rằng “từ bỏ độc quyền lãnh đạo là vấn đề căn bản vì đó là then chốt của chế độ dân chủ”[2]. Từ đó, họ yêu cầu đòi xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp năm 2013 về hiến định quyền lãnh đạo của Đảng[3], đòi thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” vì cho rằng “đa nguyên, đa đảng sẽ khơi dậy sự sáng tạo của toàn dân, tốt hơn cho sự phát triển của xã hội”. Bằng luận thuyết, luận điểm này, các thế lực phản động, thù địch muốn phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận những thành quả mà Đảng và dân tộc Việt Nam đã giành được trong hơn 90 năm qua; đồng thời qua đó muốn hợp pháp hóa sự ra đời của các tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam tiến tới hướng lái Việt Nam theo con đường tư bản chủ nghĩa. Thực tiễn phong phú, sinh động của cách mạng Việt Nam khẳng định: “Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Thứ tư, phủ nhận mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Từ sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, các thế lực phản động, thù địch cho rằng: chủ nghĩa xã hội không có sức sống, không phù hợp với quy luật lịch sử; xã hội loài người chỉ ngừng lại ở chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tư bản sẽ tồn tại vĩnh viễn. Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm, chỉ đưa dân tộc vào cảnh “nồi da xáo thịt”, làm cho đất nước ngày càng tụt hậu xa hơn nữa với thế giới và sẽ thất bại giống như Liên Xô và một số nước Đông Âu; đường lối phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là chắp vá, không tưởng. Họ khẳng định tư bản chủ nghĩa là con đường duy nhất để phát triển, từ đó kêu gọi Việt Nam: “Không nên cứ tôn thờ chủ nghĩa xã hội một cách lý thuyết suông mà không hòa nhập vào thời đại, đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Tự giác thì sẽ đến đích nhanh hơn, không tự giác thì tất yếu cũng phải đi theo con đường đó, nhưng đến đích chậm chạp hơn, đau đớn hơn”[4]. Họ cố tình cắt xén, quy chụp, viện dẫn trong Di chúc của Hồ Chí Minh chỉ mong muốn “xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, chứ không hề nói đến con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực phản động, thù địch, việc tăng cường đấu tranh để bảo vệ chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vừa là nhiệm vụ cơ bản lâu dài, vừa là nhiệm vụ cấp bách, góp phần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng, bảo đảm cho việc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2019 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã khẳng định: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng là: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”[5].

* Những giải pháp cơ bản để bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay.

Trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội chính trị đang ra sức tìm mọi cách chống phá Đảng, Nhà nước ta, với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Do vậy, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần được tăng cường hơn nữa, với những giải pháp đúng đắn, phù hợp.

Một là, đẩy mạnh việc giáo dục, tuyên truyền sâu rộng, kết hợp với nghiên cứu phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Việc giáo dục, tuyên truyền tập trung bảo vệ tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bằng những minh chứng cụ thể từ thực tiễn phong trào cách mạng thế giới, trực tiếp là của các nước xã hội chủ nghĩa, tiêu biểu như Việt Nam, Trung Quốc, Cu Ba... Việc giáo dục phải được tiến hành một cách cơ bản, hệ thống, có chiều sâu với những nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng và hoàn cảnh cụ thể, trong đó, cần đặc biệt chú trọng đến những đối tượng là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước, thế hệ lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Công tác tuyên truyền phải sâu rộng đến mọi tầng lớp xã hội, làm cho mọi người hiểu được những vấn đề cơ bản của học thuyết, có khả năng đề kháng trước những luận điệu xuyên tạc, âm mưu đầu độc tư tưởng nhân dân của các thế lực thù địch. Mặt khác, phải đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thực tiễn luôn vận động, phát triển và biến đổi không ngừng nên lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng cần được bổ sung, phát triển phù hợp với thực tiễn đương đại. Có phát triển và thông qua phát triển, thì chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mới phát huy sức sống và sức mạnh với thời đại. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững (...). Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống ”.

Hai là, kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm, tư tưởng thù địch, sai trái; bảo vệ tính khoa học, trong sáng của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ở mỗi thời điểm, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch đối với chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là không hoàn toàn giống nhau. Do vậy, để đấu tranh có hiệu quả, trước hết chúng ta cần nhận rõ mục đích, âm mưu, thủ đoạn, lực lượng, phương tiện mà các lực lượng phản động, cơ hội chính trị sử dụng để chống phá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, cần chủ động tổ chức nghiên cứu, nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh từ những luận điểm chung đến những luận điểm cụ thể, trên từng lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Trên cơ sở đó, tăng cường hơn sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của các cấp ủy đảng trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch; bảo đảm các hoạt động đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận theo đúng định hướng của Đảng, chặt chẽ về nguyên tắc, vững vàng trong quan điểm chính trị, sâu sắc về tính khoa học, hiệu quả trong phương pháp đấu tranh. Cần huy động lực lượng rộng rãi trong các cơ quan nghiên cứu lý luận, các cơ quan nghiên cứu khoa học, các cơ quan truyền thông, báo chí... tiến công chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến vấn đề đấu tranh dưới nhiều hình thức, để kịp thời định hướng đấu tranh. Quan tâm đầu tư kinh phí, phương tiện, điều kiện vật chất cho các hoạt động đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận.

Để nắm tình hình có hiệu quả, đòi hỏi các cơ quan báo chí cách mạng cần sử dụng tổng hợp các lực lượng, phương tiện, biện pháp; thường xuyên rà quét, lên danh sách các trang web, blog, diễn đàn có nội dung phức tạp, các đối tượng viết bài trên những trang mạng này (có thể là tên thật hoặc nickname, bút danh); khai thác thông tin trên các trang web, blog để xác định được đối tượng sở hữu, quản lý bài viết và đề xuất biện pháp kịp thời xử lý.

Phát huy tốt vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, Ban Chỉ đạo 35, cơ quan chức năng các cấp, nhất là vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tập trung lãnh đạo kiện toàn, xây dựng phát triển lực lượng đấu tranh theo hướng chủ động tạo thế liên hoàn, vững chắc, có bộ phận nòng cốt, chuyên sâu, tập hợp lực lượng rộng rãi; quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, nắm, dự báo, xử lý kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy sinh. Trong tổ chức thực hiện, cần duy trì tốt các chuyên trang, chuyên mục chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở các cơ quan, đơn vị. Các cơ quan báo chí cần phát huy vai trò nòng cốt đấu tranh vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, góp phần định hướng dư luận xã hội.

Ba là, xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao.

Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng; trong đó đi đầu là đội ngũ cán bộ, đảng viên. Do đó, yêu cầu thiết yếu đặt ra là phải không ngừng củng cố, xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, có đủ năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, thực sự là hạt nhân chính trị ở cơ quan, đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ năng lực, uy tín và trình độ để giáo dục, thuyết phục và định hướng cho quần chúng trong đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch. Muốn vậy, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả sinh hoạt tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khoá XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm đấu tranh với các quan điểm sai trái. Phấn đấu mỗi tổ chức đảng, mỗi chi bộ là một pháo đài vững chắc trên trận địa đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, bảo vệ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bốn là, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân làm chỗ dựa vững chắc cho tư tưởng

Thực tế cho thấy, không một lý thuyết nào có thể đứng vững nếu lý thuyết đó không giúp cải tạo thực tiễn theo chiều hướng tốt đẹp hơn, đúng như C.Mác đã từng nói: “Các nhà triết học đã chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song vấn đề là cải tạo thế giới”[6]. Trên cơ sở thấm nhuần, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã khởi xướng và lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới đất nước (từ năm 1986), thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong chặng đường tiếp theo, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cần tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa; bảo đảm nền kinh tế phát triển năng động, đạt mức tăng trưởng cao; giữ vững môi trường chính trị, văn hóa, xã hội; làm cho mọi tầng lớp nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh; mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước, nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Thành quả đó sẽ là minh chứng thực tế thuyết phục, là yếu tố quan trọng góp phần đấu tranh, bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đập tan những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch.

Hiện thực lịch sử đã chứng minh, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là khoa học, là chân lý, mang giá trị vượt thời đại, có sức sống mãnh liệt. Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đang đứng trước nhiều thời cơ thuận lợi, song cũng không ít thách thức, khó khăn. Nhưng chúng ta luôn có niềm tin vững chắc rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sang suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, với nền tảng tư tưởng, lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước ta sẽ đạt được thành tựu to lớn, hoàn thành thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

* Cần làm gì để vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của sự kết hợp khoa học, nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc với thực tế cách mạng Việt Nam và chủ nghĩa Mác Lênin. Đó được cho là tài sản tinh thần to lớn của dân tộc ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh vận dụng những giá trị nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin dựa trên những giá trị trường tồn: phương pháp biện chứng duy vật; quan niệm duy vật về lịch sử; Lý thuyết hình thái kinh tế - xã hội; Học thuyết giá trị thặng dư và Lý luận về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.

Trong điều kiện như hiện nay, nền kinh tế nước nhà đang tạm thời gặp khó khăn do tác động của sự suy giảm kinh tế toàn cầu, do đó Đảng và nhà nước ta vẫn quyết tâm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, xã hội dân chủ, văn minh. Đó cũng là mục tiêu xuyên suốt, trung tâm của các giải pháp điều hành kinh tế như kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Nhà nước Việt Nam ta luôn phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội như thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, xóa đói, giảm nghèo, v.v. Vì vậy, để vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cần:

Thứ nhất, nắm vững những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thứ hai, trung thành với con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn. Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường sáng nhất để dân tộc Việt Nam giành được độc lập như ngày nay. Vì vậy, bạn phải đi theo con đường này cho đến cùng. Cần nâng cao bản lĩnh chính trị, tầm nhìn trí tuệ, luôn có ý thức đổi mới, không từ bỏ mục tiêu. Tư tưởng Hồ Chí Minh là tầm nhìn xuyên suốt của Đảng, là hành động cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Thứ ba, nỗ lực biến khát vọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về một đất nước ấm no, hạnh phúc thành hiện thực. Tổ quốc mà nhân dân ta hướng tới là Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, vì vậy đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, được trui rèn từ các cuộc chiến tranh lịch sử của đất nước ta. Nhân dân ta đã nỗ lực, đoàn kết đánh thắng quân xâm lược giành lại nền độc lập ngày nayvậy quyết tâm đó càng cần được phát huy trong thời kỳ mới. Để biến nguyện vọng này thành hiện thực, cần phải nghiêm túc thực hiện “nói đi đôi với làm”, tránh nói mà không làm hoặc nói một đằng làm một nẻo. Cùng với đó là những chương trình, kế hoạch tỉ mỉ mà toàn dân phải thực hiện.

Bốn là, tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đảng là cơ quan lãnh đạo của toàn dân phải gương mẫu, văn minh, cán bộ đảng viên phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân, thực hiện nhiệm vụ nhân dân giao phó. Vì vậy Đảng phải trong sạch vững mạnh thì mới xây dựng được nhà nước vững mạnh. Như vậy, để vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cần có sự cố gắng, nỗ lực của toàn Đảng toàn dân. Ra sức học tập tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác Lênin để vận dụng sáng tạo trong từng thời kỳ.

Tóm lại, để vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới hiện nay phải nghiên cứu, cần tìm hiểu một cách nghiêm túc, có hệ thống, nắm vững nội dung cơ bản và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh..... Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở chúng ta phải nâng cao suy ngẫm về chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng lập trường và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để tổng kết kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích đúng đặc điểm của nước ta. Chỉ có như vậy, chúng ta mới từng bước hiểu rõ các quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, xác định được phương hướng, phương châm và các giai đoạn cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa phù hợp với hoàn cảnh của đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

                                           Đoàn Thanh niên BĐBP Tỉnh (TCKT)