Xuất bản thông tin

null ĐTN BĐBP Tỉnh: Dựa vào nhân dân để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; huy động sự tham gia đông đảo của nhân dân trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Tin tức sự kiện Trang bìa

ĐTN BĐBP Tỉnh: Dựa vào nhân dân để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; huy động sự tham gia đông đảo của nhân dân trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới

Ngày nay, Việt Nam trở thành một trong những nước có tốc độ phát triển mạng di động nhanh nhất thế giới. Mạng 3G, 4G, 5G đã có ở khắp các địa phương, miền núi, vùng sâu, vùng xa trong cả nước. Thống kê chưa đầy đủ gần 100 triệu dân Việt Nam sở hữu khoảng 120 triệu điện thoại thông minh và hàng chục triệu máy tính cá nhân. Cùng với các thông tin bổ ích, tích cực là những thông tin “tiêu cực”, “xấu, độc” không dễ kiểm soát ngăn ngừa. Mục tiêu của các thế lực thù địch là tìm mọi cách phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, chia rẽ Đảng với nhân dân, làm suy yếu rồi dần tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Ảnh minh họa

Vẫn biết, mở cửa có nghĩa là có gió mát và gió nóng vào nhà kèm theo đó là bụi bặm, côn trùng, ruồi muỗi xâm nhập. Cho internet phát triển tại Việt Nam để tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp thu khoa học, phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa đồng thời chấp nhận việc quản lý xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội sẽ khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều. Các thế lực thù địch trong và ngoài nước với các chủ thuyết “cách mạng màu - cách mạng trắng”, các phần tử cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã và đang triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội để thực hiện các hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, đặt công tác quản lý thông tin trên mạng, định hướng dư luận ở nước ta đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Rất nhiều băn khoăn lo ngại nhưng không thể vì ngại khó, sợ khó mà chúng ta “bế quan tỏa cảng”, đóng cửa với internet toàn cầu, với mạng xã hội như một vài nước láng giềng.

Những nhân vật, hình ảnh, những phát ngôn trên mạng là ảo, nhưng những hệ lụy, ảnh hưởng mà nó gây ra trong đời sống xã hội lại rất thật, rất hiện hữu. Vì vậy, việc quản lý hiệu quả không gian mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng nhằm hạn chế tối đa những mặt trái, đồng thời phát huy mặt tích cực, khả năng ứng dụng các lợi thế, tiện ích của mạng xã hội là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Ngày 22/10/2010, Bộ Chính trị khóa X ban hành Chỉ thị số 48-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”. Các lực lượng thông tin, tuyên truyền của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông trong cả nước cùng với các lực lượng tác chiến không gian mạng của các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều biện pháp ứng phó bằng cả kỹ thuật, phần mềm thông minh cũng như lực lượng con người trực tiếp.

Thực tế cho thấy, các đài VOA, BBC, RFI, RFA trước kia dùng sóng Radio phát vào nước ta nên phần nào bị hạn chế tiếp cận với người nghe, nhưng nay đã chuyển đổi toàn bộ sang sử dụng kỹ thuật số nên hiệu quả tuyên truyền chống phá tăng lên gấp nhiều lần. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh phát sóng online trực tiếp bằng tiếng Việt là một kẻ chống cộng cực đoan đã có thể truyền tải thông tin đến hàng vạn người nghe sử dụng tiếng Việt trên khắp thế giới mà đối tượng chủ yếu của bọn chúng là người Việt trong nước.

Ban đầu là hành động đơn lẻ của những cá nhân riêng lẻ. Sau một thời gian ngắn vì cùng tư tưởng “chống giặc ngoại xâm trên không gian mạng” chống phá đất nước nên những người này đã tự liên kết với nhau một cách tự nguyện, từ tự phát trở thành tự giác, để phối hợp cùng đấu tranh, phản bác các kênh truyền thông bẩn. Họ thuộc nhiều thành phần, giai cấp, tầng lớp, lứa tuổi trong đó có sinh viên, học sinh, cán bộ, công chức, giáo viên, nhà báo, nhà nghiên cứu, bộ đội đã nghỉ hưu hoặc đang công tác ở khắp các vùng miền trong cả nước và có cả một số người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài.

Vì đấu tranh trên không gian mạng nên không có hạn chế khoảng cách về không gian, thời gian. Nhiều người đã tổ chức các cuộc hội luận, đối luận, tranh luận trực tiếp trên không gian mạng hằng đêm với các thành phần phản động, chống cộng cực đoan, “cờ vàng” ở nước ngoài và các thành phần “dân chủ cuội”, thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” ở trong nước”. Thật bất ngờ hiệu quả của các cuộc “chống giặc trên không gian mạng” lại đạt được hiệu quả rất tích cực làm cho nhiều chủ kênh “thông tin bẩn” phải co vòi, im miệng, hoặc giảm bớt tần suất chống phá.

Vì là trí tuệ tập thể, trí tuệ nhân dân, nhiều người bằng trình độ lý luận, kinh nghiệm hiểu biết thực tiễn, kiến thức lịch sử đã được học, được đọc hoặc đã và đang giảng dạy để phản bác lại các luận điệu xuyên tạc một cách thuyết phục. Cũng nhờ các cuộc đấu tranh “chống giặc trên không gian mạng” nên nhiều người đã tự học lại, đọc lại, bổ sung kiến thức cả về lý luận chính trị, lịch sử, văn hóa xã hội. Nhiều chương trình “giải độc chính trị” của những người dân yêu nước, có trách nhiệm công dân cao, tự nguyện “chống giặc trên không gian mạng” đã thực sự đánh “sấp mặt” truyền thông bẩn từ nước ngoài, cũng như những tư tưởng phản động, thoái hóa biến chất, “tự diễn biến, tự chuyển hoá” của một số trí thức “học giả, học thật” kể cả cán bộ trung, cao cấp đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu ở trong nước.

Trước đây, Đảng ta lãnh đạo toàn dân làm “chiến tranh nhân dân” giành độc lập cho dân tộc, kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thắng lợi thì ngày nay trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, chống các thành phần phản động, chống cộng cực đoan, “cách mạng màu - cách mạng trắng”, “cờ vàng” ở nước ngoài xâm nhập vào trong nước và các thành phần “dân chủ cuội”, thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” ở trong nước để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ đất nước, chúng ta lại tiếp tục thực hiện “Chiến tranh nhân dân trên mặt trận tư tưởng”.

Từ năm 2015 đến nay, lực lượng quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, thông tin xấu độc của các thế lực thù địch trong và ngoài nước cùng với công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân của MTTQ Việt Nam đã được duy trì nền nếp và đạt những kết quả tích cực. Qua đó, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam với vai trò, chức năng là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đó cũng chính là việc tiếp tục quán triệt sâu sắc bài học kinh nghiệm tại Đại hội lần thứ XII của Đảng: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm lấy “dân làm gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân”. Nhờ đó, “Chiến tranh nhân dân trên mặt trận tư tưởng” trên không gian mạng bước đầu đã làm thất bại âm mưu tuyên truyền chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng của các thế lực thù địch. 

Xác định rõ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị, trước khi Nghị quyết 35 NQ/TW ra đời, những nhiệm kỳ gần đây, từ Trung ương đến địa phương đã triển khai thực hiện sâu rộng Văn kiện Đại hội Đảng các khóa và các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề như Nghị quyết số 01-NQ/TW về "Công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay”(3/1992); Nghị quyết số 09-NQ/TW về "Một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay” (2/1995); Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư về "Tăng cường cuộc đấu tranh chống các luận điệu sai trái và hoạt động tán phát tài liệu chống Việt Nam" (1/2002); Thông báo Kết luận số 94-KL/TW của Ban Bí thư về "Tăng cường nhiệm vụ chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa" (12/2002); Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư về "Tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá" (4/2009); Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" (5/2011) và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"(1/2012); Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”(5/2016) và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" (10/2016)… để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thông qua đó, công tác tuyên truyền, bảo vệ và đấu tranh đã đạt được những kết quả quan trọng, không chỉ bảo vệ Đảng, mục tiêu và lý tưởng của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa trước âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch mà còn đồng thời phòng, chống, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; làm cho công tác xây dựng Đảng đạt hiệu quả hơn, tính chiến đấu, năng lực lãnh đạo của Đảng ngày được củng cố vững chắc hơn, góp phần giữ vững an ninh chính trị, ổn định xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Thực tế cho thấy, “sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc[1]. Không chỉ gây bức xúc, mất lòng tin của nhân dân mà còn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Thực tế cũng cho thấy, càng khó khăn, thử thách, càng phải chú trọng và tăng cường công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói chung, nhiệm vụ tuyên truyền, bảo vệ và đấu tranh nói riêng để các nhiệm vụ này không đối lập nhau, không phủ định nhau mà luôn tác động, tương hỗ, ảnh hưởng lẫn nhau, có ý nghĩa quyết định đến thành công của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch hiện nay. Đặc biệt, một quan điểm chỉ đạo quan trọng được nêu trong Nghị quyết số 35-NQ/TW chính là việc các cơ quan chức năng, các lực lượng chức năng cần phải chú trọng sự gắn kết chặt chẽ giữa xây và chống trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch. Trong đó, xây là giải pháp tập trung vào bên trong, nội tại để chống đạt hiệu quả hơn; còn chống là sự hướng vào việc ngăn chặn những tác động tiêu cực từ bên ngoài, để không chỉ tiếp tục phát huy những giá trị và những ưu thế đã và đang có, mà còn từng bước ngăn chặn, làm thất bại mọi hoạt động làm phương hại đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ để xây được ổn định và vững chắc hơn, để kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ tuyên truyền, bảo vệ và đấu tranh theo Nghị quyết số 35-NQ/TW, toàn Đảng và hệ thống chính trị cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, các cơ quan, ban, ngành chức năng cùng mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, nhất là lực lượng Tuyên giáo các cấp cần nâng cao nhận thức và quán triệt sâu sắc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, cơ bản, lâu dài, thường xuyên và liên tục. Việc triển khai đồng bộ trận tuyến tuyên truyền, bảo vệ và đấu tranh là nhằm bảo vệ tính đúng đắn, khoa học, giá trị thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; bảo vệ những thành quả mà nhân dân Việt Nam đã đạt được trong tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đó, tuyên truyền, bảo vệ có ý nghĩa quyết định để không chỉ củng cố sự vững chắc trong nội bộ tổ chức Đảng, vai trò, vị trí cầm quyền/độc quyền lãnh đạo của Đảng được Hiến pháp hiến định, mà còn góp phần hạn chế và chống lại sự tấn công của các thế lực thù địch từ bên ngoài. Còn đấu tranh có ý nghĩa như là xây dựng phòng tuyến vững chắc để ngăn chặn sự suy thoái, biến chất, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" từ bên trong; đồng thời, góp phần đẩy lùi sự chống phá ngày càng điên cuồng của các thế lực thù địch, củng cố sự thống nhất, vững chắc của từng tổ chức cơ sở Đảng.

Thứ hai, tuyên truyền, bảo vệ và đấu tranh phải được tiến hành toàn diện về cả lý luận và thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn, nhằm bổ sung và hoàn thiện lý luận; đồng thời, trong từng thời điểm, với mỗi loại đối tượng, cần chọn lọc và thận trọng để có đối sách hợp lý, bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp. Trong đó, tuyên truyền, bảo vệ tập trung vào việc không ngừng phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội, về kinh tế, văn hóa, giáo dục; về cán bộ và công tác cán bộ,v.v.. Còn đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, bẻ cong lịch sử dân tộc và Đảng nhằm để bảo vệ Đảng, chế độ, đất nước và nhân dân; đồng thời phản bác lại sự xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về lý tưởng của Đảng, về chủ nghĩa xã hội, nhất là mục tiêu đòi thay đổi chế độ của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội gắn liền với việc phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và những biểu hiện tiêu cực khác. Sự gắn kết chặt chẽ giữa tuyên truyền, bảo vệ và đấu tranh này không chỉ góp phần bảo vệ  nền tảng tư tưởng của Đảng mà còn thiết thực tìm ra những "con sâu làm rầu nồi canh" từ sớm, từ gốc, để sàng lọc nội bộ, làm cho Đảng ngày càng mạnh khỏe, chắc chắn, trong sạch, vững mạnh từ cơ sở.

Thứ ba, các cơ quan, ban, ngành chức năng cùng mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần phải nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm nghị quyết các kỳ Đại hội của Đảng, các nghị quyết chuyên đề, các chỉ thị, quy định, kết luận về xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói chung, về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng để thực thi nhiệm vụ tuyên truyền, bảo vệ và đấu tranh đảm bảo sự gắn kết và hiệu quả. Trên cơ sở dự báo sát sao và chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng, việc xử lý thông tin, định hướng dư luận xã hội, tăng cường đấu tranh chống các quan điểm sai trái, lệch lạc, các hoạt động phá hoại, kích động, gây rối của các thế lực thù địch phải được triển khai kịp thời, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, các lực lượng, các cấp, để bảo đảm sự thống nhất tư tưởng, hành động trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội. Tiếp tục thực hiện nghiêm Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với Kết luận 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, gắn với Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 "về những điều đảng viên không được làm" để phòng và chống sự suy thoái, biến chất, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; để kịp thời nhận diện và cảnh giác trước những quan điểm nhân danh yêu nước, dân chủ, phản biện để cổ xúy cho vấn đề xã hội dân sự, đòi đa nguyên, đa đảng, ra báo tư nhân…

Thứ tư, công tác tuyên truyền, bảo vệ phải luôn đổi mới, song có lộ trình và thận trọng, nhất là triển khai phải theo từng bước, tránh nóng vội, chủ quan, chệch hướng; và đấu tranh thì luôn phải linh hoạt, nhưng bản lĩnh, trong sáng, chân chính để tránh sa vào bẫy kích động, chia rẽ của kẻ thù. Đồng thời, phòng và tránh tạo kẽ hở cho các phần tử phản động, bọn cơ hội "mượn hơi" gây rối và chống phá. Sự gắn kết chặt chẽ giữa tuyên truyền, bảo vệ và đấu tranh không chỉ nhằm thể hiện sự kiên định con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân đã chọn; không chỉ thể hiện rõ tinh thần và ý chí vượt mọi trở ngại, khó khăn, mà còn đảm bảo được quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển của đất nước theo đúng Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, các cơ quan, ban, ngành chức năng cùng mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên cần chú trọng việc lấy cái tích cực, cái tốt đẹp, sự nêu gương và tạo lan tỏa rộng rãi để dẹp cái xấu, đẩy lùi sự tiêu cực và cái ác, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo, phổ quát trong đời sống tinh thần của xã hội; làm cho tư tưởng tiến bộ, tích cực, thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, có tác dụng uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, cải tạo những tư tưởng lạc hậu, đẩy lùi những suy nghĩ và hành động sai trái.

Thứ năm, cùng với việc kiện toàn các cơ quan chức năng, xây dựng, phát triển và phối hợp các lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch là việc cần phải củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp đảm bảo về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Để hoàn thành sứ mệnh “đi trước, mở đường”, đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp cần phải rèn luyện phẩm chất đao đức, nâng cao bản lĩnh chính trị gắn liền với việc nỗ lực nâng cao trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ, chuyên môn và cập nhật kiến thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu, xử lý các vấn đề về tư tưởng phức tạp phát sinh. Đồng thời, phân tích, luận giải, thuyết phục cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tin tưởng và thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đi liền cùng đó là nhận diện đúng để kịp thời phản bác, đập tan các âm mưu, thủ đoạn tinh vi, nham hiểm của các thế lực thù địch, phản động. Cùng với đó, nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và "tích cực đấu tranh, phản bác có hiệu quả quan điểm sai trái của các thế lực thù địch"[2], góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch.

Đảng ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà hy sinh, phục vụ và cống hiến. Mác và Ăng ghen trong tác phẩm Gia đình thần thánh đã viết: Nhân dân chính là người sáng tạo ra lịch sử. Những sự nghiệp và tư tưởng trong lịch sử đều là sự nghiệp và tư tưởng của quần chúng. Đánh giá về vai trò của quần chúng, Lênin cũng khẳng định: “Quần chúng lao động ủng hộ chúng ta. Sức mạnh của chúng ta là ở đó. Nguồn gốc khiến cho chủ nghĩa cộng sản thế giới trở thành vô địch cũng là ở đó”. Đảng ta trải qua chặng đường hơn 92 năm lãnh đạo cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác cũng là nhận thức, đánh giá đúng đắn vai trò của quần chúng, dựa vào quần chúng nhân dân để làm cách mạng. Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.” Dù vậy, các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn không ngừng xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo và xét lại lịch sử cùng với việc đưa các loại “cách mạng màu - cách mạng trắng” vào Việt Nam. Mục tiêu của các thế lực thù địch là tìm mọi cách phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng để chia rẽ Đảng với nhân dân, làm suy yếu rồi dần tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trước tình hình đó, ngày 22/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết số 35-NQ/TW nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu. Còn nhớ, sau chiến thắng mùa xuân 1975, trong không khí phấn khởi, lạc quan tưởng chừng chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội đầy thuận lợi trong một sớm một chiều, thực ra đất nước đang bước vào thời kỳ khó khăn nhất ít ai ngờ tới. Chúng ta phải đối diện với những tổn thất, những mất mát không thể bù đắp được về vật chất và tinh thần sau 30 năm chiến tranh khốc liệt. Chúng ta phải thực hiện hai cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc và tiếp đó là 10 năm giúp bạn khỏi hoạ diệt chủng.  Chúng ta phải đối phó với những thiên tai, bão lụt, hạn hán, mất mùa ở nhiều vùng đất nước. Chúng ta bị cắt nguồn viện trợ to lớn, thường xuyên từ mấy chục năm đáng lẽ cần được tăng thêm để nhanh chóng khôi phục kinh tế sau mấy chục năm binh đao khói lửa. Chúng ta bị kìm hãm bởi chính mình trong sự trì trệ bảo thủ của cơ chế quan liêu bao cấp thời chiến không còn phù hợp và sự thiếu hiểu biết về tư duy kinh tế. Tiếp đến sự kiện Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan vỡ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, không ít cán bộ, đảng viên và nhân dân ta hoang mang khi “thành trì của chủ nghĩa xã hội” sụp đổ. Bản thân chính những người làm công tác tuyên giáo nói riêng và tuyên truyền nói chung cũng cảm thấy rõ sự lúng túng: Phải viết gì, nói gì với quần chúng, viết như thế nào, nói như thế nào để thuyết phục niềm tin của chính mình trước khi chuyển tải đến quần chúng những thông tin mới một cách thuyết phục nhất. Thời điểm đó, dù mạng internet cũng như mạng thông tin liên lạc viễn thông chưa phát triển như hiện nay, nhưng những thông tin thất thiệt, sai lạc, trái chiều và cả thông tin phản động được truyền bá, phát tán trong xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau cũng rất phổ biến làm hoang mang dư luận xã hội. Tư tưởng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, tam quyền phân lập theo kiểu “dân chủ” phương Tây cũng đã len lỏi trong cán bộ, đảng viên các cấp và nhân dân. 

Theo Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân. Từ năm 2019 đến nay, “Chiến tranh nhân dân trên mặt trận tư tưởng” chống luận điệu xuyên tạc “Cách mạng màu - cách mạng Trắng” ở Việt Nam, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng trên không gian mạng diễn ra hết sức sôi động và không kém phần quyết liệt. Cùng với các bài viết đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước trên các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Dân vận, VTV, VOV cũng như hệ thống báo chí trong cả nước, thì hằng ngày hằng đêm trên không gian mạng cũng diễn ra các cuộc đấu tranh quyết liệt của quần chúng nhân dân.

Đảng ta dựa vào nhân dân, tin tưởng vào lực lượng, trí tuệ của nhân dân, chăm lo cho cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân là điều căn bản, cốt yếu tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc mà Đảng là hạt nhân. Từ đó khẳng định chúng ta chỉ có thể bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trước mọi thế lực thù địch khi biết dựa vào quần chúng nhân dân và được nhân dân ủng hộ./.

Đoàn TN BĐBP Tỉnh (TCKT)

 

[1] Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.

[2] Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.