Xuất bản thông tin

null Nghiêm trị hành vi sử dụng internet phá hoại nội bộ, xâm hại lợi ích quốc gia

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Nghiêm trị hành vi sử dụng internet phá hoại nội bộ, xâm hại lợi ích quốc gia

Trong thời gian gần đây, trên các mạng xã hội, các blogs, trang web có máy chủ đặt ở nước ngoài xuất hiện nhiều thông tin vu cáo, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ, hạ uy tín của một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đưa tin kích động gây chia rẽ nội bộ, ảnh hưởng lớn đến uy tín của các đồng chí lãnh đạo cấp cao, ảnh hưởng đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng. Đây không phải là chiêu thức mới trong hoạt động chống Đảng và Nhà nước của các thế lực thù địch mà nó đã hình thành trong chiến lược "diễn biến hòa bình".

Trong điều kiện hiện nay với nhiều tiện ích từ các mạng xã hội, internet, các thông tin mở thì sự tác động của các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc đó diễn ra hết sức phức tạp. Mục đích của hoạt động này là nhằm hạ uy tín chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng, kích động gây mâu thuẫn trong nội bộ. Nhiều đối tượng đã triệt để sử dụng facebook, blog, mạng xã hội đăng bài, đưa hình ảnh sai sự thật, nói xấu đất nước, phỉ báng chế độ, chia rẽ nội bộ, xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Tuyên truyền phá hoại tư tưởng, tấn công chia rẽ nội bộ
Hiện nay, khi internet và điện thoại thông minh có chức năng kết nối 3G, 4G trở thành vật bất ly thân của mỗi người, những kẻ chống phá đất nước triệt để lợi dụng bằng các chiêu trò tạo dựng, phát tán các thông tin, hình ảnh giả tạo, sai lệch, biến có thành không, không thành có, thật giả lẫn lộn, từ đó lôi kéo, hướng lái dư luận ngã theo quan điểm sai trái, thù địch. 

 Khi số này bị bắt giữ, điều tra, xử lý theo pháp luật, được sự hậu thuẫn của bên ngoài, các đối tượng phản động trong và ngoài nước vu cáo Việt Nam đàn áp nhân quyền, xuyên tạc tự do dân chủ, ngôn luận, tự do internet, từ đó kích động chống phá, làm phức tạp tình hình an ninh, trật tự.

Hành vi xâm phạm an ninh, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm, các đối tượng lập và sử dụng hàng ngàn website, blog, mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến (như trang “Quan làm báo”, “Dân làm báo”, “Châu Xuân Nguyên”, “Anh Ba Sàm”, “Tin tức hàng ngày”, “Tạp chí sự thật”, “Người buôn gió”...). Chúng liên tục mở các chiến dịch tuyên truyền chống phá Việt Nam theo một số phương thức chủ yếu như: 

Tuyên truyền phá hoại tư tưởng, tấn công chia rẽ nội bộ, xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang; kêu gọi tập hợp lực lượng, hình thành và công khai hóa tổ chức chính trị đối lập trá hình trên không gian mạng; sử dụng Internet để công khai bày tỏ quan điểm đối lập, đòi đa nguyên, đa đảng, từ đó lôi kéo, phát triển lực lượng và hoạt động chống phá; lợi dụng các vấn đề nhạy cảm chính trị xã hội, vụ việc phức tạp thu hút sự quan tâm của quần chúng để kích động biểu tình, gây bất ổn về an ninh, trật tự, tìm thời cơ tiến hành “cách mạng đường phố” tại Việt Nam...

Những luận điệu của các thế lực thù địch tập trung vào tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phủ nhận thành quả cách mạng, vu cáo, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dưới hình thức hồi ký, tùy bút, tác phẩm văn học nghệ thuật. Chúng thông tin về gia đình, tài sản, quan hệ xã hội của các đồng chí lãnh đạo cấp cao, mâu thuẫn nội bộ trong Đảng, xây dựng các nhân vật trong tiểu thuyết, tác phẩm văn học nghệ thuật đặc tả giống với các đồng chí lãnh đạo tạo dư luận tiêu cực trong quần chúng nhân dân. 

Thủ đoạn của chúng là đưa những thông tin như thật, có số liệu, hình ảnh nhưng người đọc không thể kiểm chứng, đối chiếu, trích dẫn tài liệu rất khoa học. Nhưng những nguồn tin, những tài liệu trích dẫn lại không có thật hoặc có nhưng không bảo đảm độ tin cậy. Chúng xây dựng các câu chuyện có hồn cốt, có nội dung cốt truyện mô phỏng theo những sự kiện lịch sử trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước để dẫn dắt người đọc từ vấn đề chính trị xã hội này sang vấn đề chính trị xã hội khác và đi đến kết luận rằng đi lên chủ nghĩa xã hội hiện nay là không phù hợp với xu thế chung của thời đại. 

Những luận điệu vu cáo, xuyên tạc, kích động gây mâu thuẫn nội bộ diễn ra với nhiều thủ đoạn, hình thức khác nhau từ bí mật, lặng lẽ xuất hiện trên internet, trên các trang mạng xã hội đến công khai trắng trợn trên các quầy sách báo dưới sự trợ giúp của các hoạt động in ấn trái pháp luật. 

Một trong những phương thức mà các đối tượng gia tăng hoạt động chống phá trên mạng internet trong thời gian gần đây là xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, cụ thể là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo một số địa phương. Bằng các bài viết xuyên tạc, đả kích, âm mưu của chúng nhằm phá hoại nội bộ hòng gây chia rẽ trong lãnh đạo cấp cao, tác động tiêu cực tới nhận thức, quan điểm, tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây tâm lý hoang mang, hoài nghi và làm suy giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. 

Thủ đoạn chủ yếu là giả mạo, cắt xén, ngụy tạo bằng chứng để vu cáo; sử dụng thông tin cũ với những luận điệu mới; lợi dụng những vấn đề chính trị, thời sự để tung tin thất thiệt, tạo dư luận xấu; từ các vụ việc tiêu cực, tham nhũng để quy chụp do đường lối của Đảng, Nhà nước và chế độ. Các đối tượng đặt tên trang mạng, blog và đặt các tiêu đề, tên bài với ngôn từ giật gân, kích thích tính tò mò của người đọc, người xem, đăng tải tin, bài viết, video clip có nội dung phản động, thật giả lẫn lộn. 

Gia tăng liên kết để đưa thông tin, bài viết, bình luận, tập trung khoét sâu một chủ đề hoặc trích dẫn, đăng lại bài viết của nhau nhằm làm tăng hiệu quả tuyên truyền phá hoại tư tưởng. Tận dụng tối đa sơ hở trong quản lý truyền thông thế hệ mới (mạng 3G, 4G...), khai thác triệt để ưu thế của các ứng dụng cung cấp nội dung cho người sử dụng Internet (Over The Top - OTT) để tán phát tin bài, tác phẩm, tài liệu có nội dung chống Việt Nam; kết hợp giữa viễn thông và Internet bằng cách đưa thông tin xấu lên mạng, sau đó tổ chức thành chiến dịch nhắn tin thông báo đến các đồng chí lãnh đạo cấp cao.

Đối với chúng ta phòng ngừa, ngăn chặn những tác động tiêu cực của hoạt động này chính là góp phần quan trọng bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đây là trách nhiệm của toàn xã hội, của các cơ quan, ban, ngành đặc biệt là các cơ quan quản lý Nhà nước trên lĩnh vực thông tin truyền thông, internet, mạng xã hội,… Chính vì vậy để làm tốt công tác bảo vệ Đảng, bảo đảm ổn định xã hội, ổn định tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, vạch trần âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch cần làm tốt một số nội dung công tác sau đây:

Một là: cần làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo, kích động gây chia rẽ nội bộ để ngăn chặn kịp thời. Chủ động kiểm soát thông tin, nắm tình hình trên các mạng xã hội, trên các trang web, blog có nội dung chống đối để chủ động cung cấp thông tin chính thống vạch trần âm mưu và hoạt động của chúng. Chủ động tiếp xúc, gặp gỡ trao đổi với những người có hoạt động chống đối để giải quyết những vướng mắc về tư tưởng, tình cảm, chế độ chính sách đối với họ, đề nghị họ từ bỏ các hoạt động gây ảnh hưởng đến an ninh và lợi ích quốc gia.

Hai là, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các mạng xã hội, các trang web, blog cá nhân đồng thời xây dựng và phát triển mạnh mẽ các mạng xã hội trong nước, tạo diễn đàn bày tỏ chính kiến, bình luận, chia sẻ thông tin, hình ảnh cho người dân Việt Nam. Chủ động đàm phán, hợp tác chia sẻ quyền quản trị đối với các tài khoản mạng xã hội nước ngoài, kết nối các mạng xã hội trong nước với các mạng xã hội nước ngoài nhằm thực hiện tốt hơn việc quản lý, ngăn chặn những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, kích động gây mâu thuẫn nội bộ.

Ba là, khắc phục những sơ hở thiếu sót trong công tác quản lý mạng, báo chí, xuất bản mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng để đăng tải, tán phát những luận điệu sai trái. Nâng cao ý thức trách nhiệm của các phóng viên, biên tập viên, thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục kiến thức quốc phòng an ninh, ý thức cảnh giác trước âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch.

Bốn là, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, tạo môi trường thông thoáng, lành mạnh cho hoạt động trao đổi, cung cấp thông tin. Chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí nhằm vạch trần âm mưu, hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, kích động gây chia rẽ nội bộ. Xây dựng các diễn đàn mà ở đó những người có ý kiến trái chiều, những người "bất đồng chính kiến" có thể đưa ra các lập luận, lý lẽ của riêng họ thỏa mãn ý tưởng chính trị. 

Năm là, xây dựng các nhân tố, các cộng tác viên có nhãn quang chính trị tốt làm trụ cột của diễn đàn này có thể phản biện, dẫn dắt các thành viên đi đến đồng thuận với các quan điểm chính thống của Đảng, Nhà nước. Thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Khắc phục những sơ hở thiếu sót trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Khi chủ trương của Đảng, Nhà nước được thực hiện đúng đắn, phù hợp với lợi ích của quốc gia, dân tộc, phù hợp với lợi ích của đại đa số quần chúng nhân dân thì các đối tượng chống đối sẽ không còn lý do để xuyên tạc, chống phá. Bên cạnh đó khi đã tạo được niềm tin vào Đảng, vào chế độ và con đường phát triển đất nước thì các hoạt động chống đối sẽ tự triệt tiêu. Và đó chính là cách thức bảo vệ Đảng hiệu quả nhất trước những luận điệu tuyên truyền, vu cáo, xuyên tạc, kích động gây mâu thuẫn nội bộ./.

BTG